Ngư dân Anh cho biết, tàu hạ thủy vào cuối năm 2017 và đi vào hoạt động đầu năm 2018. Đến nay đã vươn khơi 5 chuyến biển đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Phú Quý. Trong đó 3 chuyến liên tiếp đầu năm bám biển từ 20 - 30 ngày, còn 2 chuyến gần đây do ảnh hưởng ATNĐ và bão làm gió giật mạnh, tàu ra rồi lại vào bờ ngay.
Cận cảnh tàu ngư dân Huỳnh Tấn Anh trúng mẻ cá lớn (Ảnh: KS) |
“Tàu của tôi hoạt động nghề lưới vây kết hợp ánh sáng. Nghề này nếu ra biển gặp gió cấp 5 - 6 trở lên thì không thể đánh bắt được. Hai chuyến gần đây ra biển gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đành quay vào bờ neo đậu, không thể bủa lưới”, ngư dân Anh giải thích.
Tuy nhiên, 3 chuyến trước đó, tàu đánh bắt rất hiệu quả, thu tiền tỷ mỗi chuyến. Chuyến đầu tiên từ ngày 12/1 đến 14/2 (âm lịch) tàu đánh bắt hơn 50 tấn cá các loại, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Chuyến thứ hai vươn khơi từ 17/2 đến 13/3 âm lịch đánh bắt 90 tấn cá các loại, doanh thu 1,7 tỷ đồng. Chuyến thứ ba từ 19/3 đến 14/4 đánh bắt 65 tấn cá, thu 1,3 tỷ.
Như vậy, sau 3 chuyến biển liên tiếp vươn khơi tàu của anh Anh đã thu khoảng 4 tỷ đồng. Với chi phí mỗi chuyến biển dao động từ 150 - 200 triệu, sau khi trừ chi phí tàu còn lãi trên 3 tỷ đồng. Mỗi thuyền viên trên tàu (18 người), kiếm từ 15 - 20 triệu đồng/người/chuyến.
Đi biển từ năm 16 tuổi, tính đến nay ngư dân Anh đã có thâm niên 26 năm trong nghề. Anh nhận ra rằng, để khai thác thủy sản hiệu quả, bên cạnh kinh nghiệm đánh bắt phải có thì việc đầu tư con tàu, máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghề là hết sức quan trọng. Đây là các yếu tố quyết định đến hiệu quả chuyến biển chiếm đến 70 - 80%, còn lại là sự may mắn.
Theo anh, NĐ 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo của ngư dân, trong đó gia đình anh mạnh dạn vay vốn để đóng được con tàu mơ ước.
Dẫn chúng tôi tham quan con tàu composite hiện đại này, anh giới thiệu, trước đây đi tàu gỗ nhỏ bé, công suất chỉ 250 CV. Nay là tàu hiện đại, chiều dài lên đến 24m, rộng 6,5m, công suất 830CV, tổng giá trị hơn 17 tỷ đồng.
Tàu được thiết kế cabin 2 tầng, bố trí 2 sàn ngủ cho thuỷ thủ đoàn 20 người, nhà bếp và hệ thống vệ sinh; mặt boong thoáng và rộng, kết cấu sandwich vững chắc, chống rung động và tăng khả năng cách nhiệt, cung cấp đủ không gian để chứa toàn bộ vàng lưới vây.
Ảnh: K.S |
Tàu bố trí 8 hầm cách nhiệt tổng dung tích 120m3, trang bị hệ thống tời kéo lưới và hệ thống thiết bị khai thác hiện đại, bao gồm: máy dò cá góc quét 360 độ, máy dò ngang, máy dò đứng, ra đa tầm quét 72 hải lý và máy thông tin liên lạc tầm gần, tầm xa.
Đặc biệt, tàu còn sở hữu máy dò cá (Model KCS-3221Z, của hãng Kaiso, Nhật), giá trị 4,8 tỷ đồng. Đây là loại hiện đại được mệnh danh là “siêu chụp”, với bán kính quét rộng từ 1.500 - 2.000m. “Nhờ máy dò cá này đã phát huy hiệu quả, phát hiện đàn cá và tổ chức vây bắt thành công”, anh khẳng định.
Ngư dân Anh tâm sự, nếu bỏ tiền túi để đóng con tàu composite hiện đại này, chắn chắn anh không kham nổi. Nhưng nhờ NĐ 67 giúp anh sở hữu được nó. Từ khi đi hạ thủy đi biển đến nay, tàu chạy rất êm, không xảy ra sự cố kỹ thuật, đặc biệt không bị phá nước khi sóng to, gió lớn như trước đây sử dụng tàu gỗ. Các thuyền viên cũng phấn khởi và tự tin mỗi khi ra biển.
Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, trước đây chưa đóng tàu 67 ngư dân Anh được đánh giá là người đi biển giỏi, có kinh nghiệm đánh bắt. Nay anh sở hữu tàu 67 anh càng phát huy hiệu quả hơn, là mô hình để ngư dân khác học tập. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn