Có cần thiết chi 1.400 tỷ đồng xây tượng đài Bác Hồ ở Sơn La?
Thứ tư - 05/08/2015 03:23
Mặc dù là tỉnh nghèo, mỗi năm, Chính phủ phải hỗ trợ kinh phí hoạt động hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng HĐND tỉnh Sơn La ra NQ đầu tư 1.400 tỷ đồng xây dựng tượng đài Bác Hồ tại quảng trường Sơn La.
“Nghèo làm được mới quí” Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Bảo Quyến – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La cho biết: “Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường TP Sơn La đã được lên kế hoạch từ nhiều năm nay. Nhận thấy khi công trình được xây dựng sẽ đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và Nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng với Bác Hồ kính yêu, hơn nữa cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương nên chúng tôi đồng lòng thực hiện. Tỉnh Sơn La còn nghèo thật, nhưng nghèo mà làm được mới quí”.
Quảng trường thành phố Sơn La.
Điều băn khoăn nhất của dư luận hiện nay là số tiền đầu tư cho công trình sẽ được lấy từ đâu, xây dựng những hạng mục gì? Thì theo ông Trần Bảo Quyến: “Tình cảm của Nhân dân dành cho Bác cũng như của Bác dành cho Nhân dân Tây Bắc không thể đong đếm được bằng tiền”. Chính vì vậy, theo đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ được HĐND tỉnh Sơn La đồng ý thông qua Nghị quyết hồi đầu tháng 7/2015, 1.400 tỷ đồng sẽ đầu tư các hạng mục: Đền thờ Bác Hồ (tượng Bác Hồ cao từ 5 - 8m); đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; bảo tàng tổng hợp; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20.000 người. Về nguồn kinh phí xây dựng công trình, lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La cho biết sẽ bao gồm cả kinh phí hỗ trợ từ T.Ư, ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng cũng sẽ sử dụng kinh phí từ công tác xã hội hóa của người dân, DN. Hiện tỉnh đã có chủ trương vận động DN, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ một cách rộng rãi bằng tấm lòng của mình dù ít, dù nhiều. “Quan điểm của tỉnh là tăng cường tối đa nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn lực khác để giảm thiểu tối đa sử dụng tiền ngân sách. Hiện chưa thể biết là từng nguồn vốn để đầu tư là bao nhiêu nhưng chắc chắn nguồn tiền từ xã hội hóa cũng sẽ rất nhiều chứ không chỉ ỷ lại vào nguồn kinh phí của Nhà nước” - ông Quyến cho hay. Bộ VHTT&DL chưa có quan điểm chính thức Trước ý kiến của dư luận, chiều ngày 4/8, ông Phan Đình Tân – Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với một công trình tiêu tốn nhiều tiền của như vậy. “Hiện nay Bộ VHTT&DL chưa có quan điểm chính thức, còn cá nhân tôi không đồng tình với đầu tư xây dựng khu tượng đài Bác với số tiền quá lớn trong lúc đất nước khó khăn, nhất là thời điểm thiệt hại do thiên tai gây ra cho Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Cho dù tiền đầu tư đó là từ nguồn xã hội hóa hay là từ ngân sách Nhà nước. Người ta đánh giá một tác phẩm, một công trình văn hóa ở giá trị nghệ thuật, không phải ở giá trị khối lượng. Anh có đầu tư lớn đến mấy mà không có giá trị nghệ thuật thì cũng không có ý nghĩa. Đó là chưa kể, lúc sinh thời, đức tính vĩ đại khiến Nhân dân yêu mến Bác là sự giản dị. Bác không thích phô trương hoành tráng, nên các công trình về Bác cần gắn với tấm lòng cao đẹp của Người”. Cũng theo ông Phan Đình Tân, Bộ VHTT&DL sẽ kiểm tra lại thông tin, trước khi đưa ra quan điểm cuối cùng về đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ của tỉnh Sơn La. Ngoài ra, năm 2015, Bộ VHTT&DL đang giao cho Cục Nhiếp ảnh Mỹ thuật và Triển lãm xây dựng Dự thảo Quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030 và công trình tượng đài Bác Hồ tại Sơn La là một trong 14 công trình nằm trong Dự thảo quy hoạch này. Nhưng theo ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Nhiếp ảnh Mỹ thuật và Triển lãm: “Đó chỉ là đề xuất, các công trình này có thực hiện được hay không phụ thuộc vào bản quy hoạch đang lấy ý kiến các cấp, các ngành, trước khi trình Chính phủ phê duyệt”. Hiện nay, để một công trình tượng đài Bác Hồ được phê duyệt, không chỉ cần sự tham vấn ý kiến của Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, mà cần sự đồng ý của Bộ Chính trị và Ban bí thư T.Ư Đảng. Vì xây dựng công trình tượng đài Hồ Chí Minh không chỉ mang ý nghĩa tri ân, mà còn thể hiện quan điểm, cách làm của thế hệ hôm nay với một công trình gửi đến muôn đời sau.