Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp (SXNN), tỉ lệ cơ giới hóa (CGH) trong SXNN trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao, nhiều loại máy móc thiết bị đã được đưa vào sử dụng, góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động, làm thay đổi cách canh tác thủ công của nông dân. Tuy nhiên, CGH SXNN ở tỉnh ta chưa tạo được sự đột phá mạnh mẽ về quy hoạch, hiệu quả canh tác và thu nhập cho nông dân.
|
Nông dân tham quan mô hình trình diễn máy gặt đập liên hợp tại xã Phước Hưng (Tuy Phước). Ảnh: ĐINH VĂN TOẠI |
Lợi ích thiết thực
Vài năm trở lại đây, các thiết bị cơ giới đang từng bước đóng vai trò quan trọng trong SXNN, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN-NT). Các loại máy móc phục vụ sản xuất được nông dân đầu tư mua sắm ngày càng nhiều, như máy cày, bừa, gặt, tuốt lúa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong SXNN trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, CGH và sử dụng các tiến bộ KHKT vào SXNN đã giải phóng được sức lao động của nông dân; tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất; cải thiện chất lượng nông sản phẩm; góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Khi vào mùa vụ gieo sạ, thu hoạch, các loại máy móc đã phát huy hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo luân canh, gối vụ kịp thời... Anh Lê Văn Tạo, ở thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài (huyện Phù Cát), cho biết: “Gia đình tôi sản xuất 1 ha lúa và 1 ha cây trồng cạn, từ khi đưa cơ giới vào đồng ruộng đã giúp tiết kiệm hơn 1/2 thời gian làm đất và thu hoạch, 30% chi phí nhân công, năng suất tăng lên gần 20%”.
Chương trình CGH SXNN ở tỉnh ta trong thời gian qua có những bước tiến mạnh mẽ, phần lớn ở các khâu trước và sau thu hoạch. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 290 máy gặt đập liên hợp, hơn 1.300 máy đập lúa liên hoàn (máy ngốn), hơn 1.100 máy nghiền thức ăn chăn nuôi và hàng ngàn xe vận chuyển nông sản... Khâu làm đất bằng máy chiếm trên 95%; sử dụng công cụ sạ hàng trên 50%; thu hoạch bằng cơ giới 60%; máy đập, tuốt lúa... trên 90%.
Qua tính toán cho thấy, CGH SXNN đã góp phần làm giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân. Chỉ tính riêng việc áp dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa đã giảm từ 400 - 500 ngàn đồng/ha và giảm 2 - 3% hao hụt so với cắt tay (thu hoạch lúa thủ công). Như vậy, trong toàn tỉnh, hàng năm nếu CGH được 100 ngàn ha lúa (năng suất bình quân 6,1 tấn/ha), sẽ tiết kiệm được 40 - 50 tỉ đồng và giảm thất thoát từ 12.200 - 18.300 tấn lúa.
Đẩy nhanh CGH SXNN không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ gắn kết mùa vụ, khắc phục tình trạng thiếu lao động lúc cao điểm về thời vụ đang diễn ra khá phổ biến ở khu vực nông thôn hiện nay.
Chưa tạo sự đột phá
Sớm có mặt trên đồng ruộng với những tiện ích thiết thực, tuy nhiên hiện trạng CGH trong SXNN ở tỉnh ta còn chưa đồng bộ, toàn diện, chưa tạo được sự đột phá về quy hoạch, tập quán, hiệu quả canh tác và thu nhập cho nông dân. Hiện mới chỉ CGH được khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa gạo, còn các khâu khác như gieo cấy, chăm sóc lúa; trong sản xuất và thu hoạch rau màu; phát triển các loại máy móc, thiết bị phục vụ bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch vẫn còn phụ thuộc vào lao động thủ công là chính.
Cùng với đó, hệ thống mạng lưới cơ sở bảo hành, dịch vụ, sửa chữa, cung ứng phụ tùng thay thế máy nông nghiệp ở các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chuyển đổi ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất lớn với hệ thống đường nội đồng đủ điều kiện để đưa các loại máy móc hiện đại vào đồng ruộng ở nhiều địa phương còn hạn chế. Thực trạng trên là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do ruộng đất ở tỉnh ta phân chia manh mún, nhiều bờ, nhiều thửa, nếu áp dụng KHKT vào sản xuất thì hiệu quả tăng thêm cho mỗi gia đình không lớn (qua thực tế cho thấy, hiệu quả khi đầu tư công nghệ chỉ tăng vài chục ngàn hay nhiều nhất là 100 ngàn đồng/sào canh tác) nên bà con nông dân không mấy mặn mà.
Thứ hai, do thiếu vốn đầu tư nên việc đẩy mạnh CGH trong SXNN gặp khó khăn và diễn ra chậm chạp. Nhà nước đã có một số nghị định, nghị quyết về phát triển NN-NT, như: Nghị định 61/2010/NĐ-CP khuyến khích đầu tư vào NN-NT và các chính sách hỗ trợ đầu tư cho NN-NT; Quyết định 315/QĐ-TTg về bảo hiểm nông nghiệp; Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề nông thôn; đặc biệt là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT nhằm giúp nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy chủ trương của Nhà nước rất đúng đắn, song khâu thực hiện còn nhiều bất cập nên đồng vốn khó đến tay nông dân.
Thứ ba là bất cập về nhân lực. Chưa có nhiều nông dân có trình độ hiểu biết cũng như kỹ năng sử dụng máy móc thiết bị khoa học công nghệ cao. Chúng ta lại chưa đào tạo được đội ngũ công nhân nông nghiệp lành nghề để có thể về nông thôn làm việc. Phần lớn người vận hành máy móc nông nghiệp đều chưa qua đào tạo, trình độ rất thấp.
Với những hiệu quả bước đầu trong việc đưa cơ giới vào SXNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đã khẳng định sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình CGH SXNN trên phạm vi toàn tỉnh. Mặt khác, việc định hướng đầu tư, phát triển CGH phải đồng bộ các khâu, từ quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất lớn với hệ thống đường nội đồng, làm đất, gieo trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đến bảo quản, chế biến sản phẩm... Thực hiện tốt các khâu này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả SXNN, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, tăng thu nhập cho nông dân, giảm công lao động, giúp cho lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN-NT tỉnh nhà.
ĐINH VĂN TOẠI
Nguồn: baobinhdinh.com.vn