Đồng chiều cuối vụ, những luống rau vẫn mơn mởn xanh như khát vọng làm giàu của người cựu chiến binh Quân Đoàn III ngày nào. Khi PV Dân Việt có mặt là lúc vợ chồng ông Đông người xới cỏ, người nhổ cây con chuẩn bị hàng cho khách. Cứ chừng dăm bảy phút lại có cuộc điện thoại gọi về đặt hàng rau giống. Ông Đông hồ hởi, ruộng ngay sát quốc lộ 3, tiện xe gửi hàng, khách quen lại gửi tiền mua rau giống qua xe buýt nên cũng đỡ được phần nào thời gian, công sức.
Ông Đông vốn quê gốc Hải Dương, là lính K8, Sư đoàn 10, Quân đoàn III, lên đóng quân ở Chợ Mới rồi lập gia đình với cô gái Tày hay lam hay làm Hà Thị Phương Thảo. Ông bảo "Sau khi xuất ngũ, cũng là làm nông nhưng chủ yếu trồng lúa, trồng chè, khó khăn lắm, không đủ ăn, không đủ nuôi con. Năm 1990 thấy nhu cầu rau giống cao, vợ chồng tôi đã quyết định đầu tư thử trên diện tích 700m2 để gieo bán cây con...".
Những luống rau giống sau khi đã nhổ bán được vợ chồng ông Đông làm tơi đất để trồng tỏi, hành chuẩn bị cho ngày tết.
Vợ ông Đông vào phân để chuẩn bị cho việc trồng hành đón tết.
“Cũng không nghĩ lại thu nhập tốt thế, hồi đó mỗi vụ bán được những mấy chục vạn cây con. Giờ tuy có chững hơn nhưng vẫn đảm bảo được mười mấy, hai mươi vạn cây. Thấy làm có thu nhập tốt, gia đình đã tập trung để gieo bán rau giống là chính, còn ruộng chỉ làm đủ để ăn thôi”, ông Đông nói.
Gia đình ông Đông có 3000m2 ruộng thì để cho người quen làm 1000m2 còn lại ông trồng lúa và để dành 700m2 gieo rau giống bán cây con. Ông bảo chỉ cần 700m2 cũng đủ sống rồi, mỗi vụ gieo làm 4 đợt. Khi chúng tôi đến, lứa rau cuối cùng đang được ông gieo. Một phần đất trống do đã nhổ bán cây con đang được làm đất chuẩn bị cho trồng hành phục vụ tết.
Hành tôi làm 5 luống mỗi năm, còn lại trồng tỏi, thu hoạch xong thì trồng dưa chuột. Cứ kết thúc đợt cuối cùng của vụ gieo rau giống là chúng tôi trồng hành phục vụ hàng tết. Mỗi luống hành rộng hơn mét, dài 20m trung bình cũng cho thu 3 triệu đồng, tỏi thì thu ít hơn, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng thôi, riêng dưa chuột thêm thắt gọi là vậy mà cũng có mươi mười lăm triệu đồng, ông Đông cho biết thêm.
Theo ông Đông, công việc này khá vất vả, bận luôn tay. Vào vụ, vợ chồng ông phải dậy từ 4h sáng để ra đồng nhổ cây con mang đến các chợ lân cận, từ chợ Cao Kỳ, chợ Thanh Bình (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn)... đến chợ Yên Ninh (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) để bán.
Người ở nhà thì vun xới, làm cỏ, người đi chợ về tiếp tục ra đồng hỗ trợ. Mệt chút mà vui vì có thu nhập. Nhà tôi có 4 người con thì cả bốn đều được ăn học đàng hoàng, từ Học viện Lục quân, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn đến Cao đẳng Luyện kim, Cao đẳng Sư phạm cũng nhờ nguồn thu này cả đấy, ông Đông cho hay.
Ngôi nhà khang trang được xây cất từ nguồn thu nhập nhờ gieo rau giống bán cây con của gia đình ông Nguyễn Văn Đông.
Cách đường cái quan chừng hơn 100m chếch ruộng rau là ngôi nhà khang trang của ông được bao bọc bởi những rừng keo sắp đến tuổi khai thác. Cạnh nhà là một ao cá, tuy không to nhưng cũng đủ để cung cấp thực phẩm cho gia đình và bán cá thương phẩm mỗi khi cần. Ông bảo, keo hiện có hơn 2ha, đồi chè nhà tôi cũng có 3000m2.
Do tập trung làm rau giống, không có nhiều thời gian chăm sóc cho đồi chè, thấy hàng xóm láng giềng khó khăn, tôi đã cho họ chăm sóc và khai thác, chỉ lấy tiền công ban đầu mỗi năm 1000.000đ/1000m2 thôi. Tạo công ăn việc làm giúp nhau là chính ấy mà, ông tâm sự.
Nói về giá cây rau con, ông Đông cho biết, có loại mỗi cây con có giá những 1000 đồng như súp lơ, cà chua. Riêng xà lách bán rất tốt, một kẹp khoảng 20 cây đã có giá 5000 đồng, trong khi hạt giống một lạng mua vào chỉ có 200 nghìn đồng. Su hào, cải bắp tôi đang bán với giá 60 nghìn đồng/100 cây, một vạn đã có 6 triệu, tuy nhiên giống này đắt, mỗi kilogram hạt giống có giá tới 1,5 triệu đồng.
Ông Đông cho biết, công việc tuy bận luôn tay nhưng vui vì cho thu nhập tốt.
Người Cựu Chiến binh Quân đoàn III hồ hởi khi những luống rau giống đã được nhổ bán gần hết.
Sau khi đã trừ mọi chi phí, gia đình ông mỗi năm cũng thu về khoảng 130 triệu đến 140 triệu đồng từ gieo bán giống cây con, tỏi, hành và dưa chuột. Trong khi miền núi, đất rộng, nhà thưa, nhiều hộ gia đình có cả mấy nghìn m2 đất ruộng mà vẫn loay loay chưa tính ra bài toán thoát nghèo thì việc việc kiếm hơn 100 triệu đồng/700m2/năm của người Cựu chiến binh Quân đoàn III này quả là một cách làm hay rất đáng để học hỏi.
Nói về mô hình này, ông Sầm Văn Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Đông là một hộ làm kinh tế giỏi của xã, của huyện. Với mô hình gieo giống rau bán cây con, gia đình ông đã có thu nhập tốt, ổn định, có tiền nuôi con ăn học. Học hỏi mô hình này, hiện một số hội viên trong xã cũng đã tiến hành trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trên cơ sở mô hình hộ ông Đông, Hội Nông dân xã đang có hướng xây dựng Tổ hợp tác về gieo giống rau bán cây con, ông Giang cho biết thêm.
Theo Chiến Hoàng/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/co-manh-ruong-to-trong-thu-rau-nay-ban-cho-ca-lang-thu-100-trieu-1031163.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn