Tốt nghiệp đại học và là giám đốc của một công ty xây dựng tại TP.HCM, nhưng anh Lê Ngọc Huê (30 tuổi), ở thôn Bồ Trang, xã Quỳnh Hoa, H.Quỳnh Phụ, Thái Bình vẫn quyết định về quê làm nông dân.
Cây dược liệu đã mở ra hướng làm ăn mới cho anh Lê Ngọc Huê - Ảnh: Trần Hồ |
Trước khi về quê làm nông dân, anh có một sự nghiệp đáng mơ ước với rất nhiều người trẻ. Kể về quãng thời gian phấn đấu của mình anh cho biết, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, đang dự định thi vào đại học thì anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. 4 năm trong quân đội, anh được đào tạo làm sĩ quan với quân hàm thiếu úy, nhưng vì muốn tiếp tục con đường học hành nên anh xin ra quân. Năm 2007, anh xuất ngũ và đăng ký thi đại học. Năm đó, anh đỗ vào Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học – Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) nhưng sau đó vì thích ngành kinh doanh, anh lại thi và đỗ thủ khoa vào Khoa Luật kinh doanh, Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh.
Trong thời gian đi học, anh đã bắt đầu lập nghiệp với việc cùng một người bạn hùn vốn, thành lập công ty chuyên xây dựng, lắp ráp cửa cuốn, mang tên Công ty Tân Thái Bình. Là giám đốc của một công ty đang phát đạt, nhưng cuối năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, anh quyết định giao lại công ty cho bạn quản lý, rồi về quê trồng cây dược liệu. “Khi tôi quyết định về quê trồng cây, gia đình, họ hàng ai cũng ngỡ ngàng, ra sức phản đối, vì mọi người ai cũng nghĩ tôi đang có một sự nghiệp vững chắc và một tương lai tươi sáng, lại từ bỏ. Về quê làm không đủ ăn, huống chi làm giàu, nhưng muốn vượt qua thử thách, tôi vẫn quyết tâm về làm nông dân”, anh Huê kể.
Thu nhập tiền tỉ
Hiện tại với 7ha trồng cây dược liệu ở xã Quỳnh Hoa, chủ yếu là cây Chùm ngây, và các cây khác như: Đinh lăng, Hoàn ngọc, Cỏ ngọt... mỗi năm anh có doanh thu hàng tỉ đồng. Riêng năm 2014, anh đạt doanh thu trên 5 tỉ đồng từ cây giống, cũng như nguyên liệu chế biến, sản phẩm trà thảo dược.
Để cây
dược liệu có chỗ đứng, quảng bá sản phẩm, có thương hiệu cạnh tranh, anh đã thành lập Công ty Thái Hưng chuyên sản xuất trà thảo dược, nguyên liệu cho các công ty dược, cung ứng cây giống, rau rạch… Anh cho biết: “Cây Chùm ngây mới trồng, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây được sử dụng triệt để, lá cây làm rau sạch, thân cành làm trà thảo dược, còn rễ, củ thì làm nguyên liệu sản xuất dược…”
Không dừng lại ở việc trồng cây dược liệu, để chủ động về nguồn giống, nhằm phục vụ sản xuất cũng như bán cho người dân, anh đã nghiên cứu sản xuất các loại giống cây dược liệu. Hiện tại vườn nhà anh, có hơn 2 vạn cây giống và cũng nhờ trồng cây dược liệu, anh Huê đã tạo được việc làm cho hàng chục lao động địa phương đã cho thu nhập tiền tỉ.
Anh dự tính năm sau, sẽ nâng quy mô sản xuất lên đến 50ha, trong đó sẽ chuyển giao kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật cho bà con trong xã, trong tỉnh có nhu cầu trồng cây dược liệu và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Anh Huê chia sẻ: “Cuộc đời không biết trước điều gì, thời sinh viên, tôi cũng đi làm thêm bằng nhiều nghề, trong đó chủ yếu là nghề buôn bán và không nghĩ có một ngày sẽ về quê làm nông dân. Tuổi trẻ, sức trẻ, phải xông pha, có vấp ngã mới trưởng thành, mới có kinh nghiệm”.
Theo thanhnien.com.vn