Thu hoạch lúa ở ĐBSCL (ảnh: P.V)
Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), chiều 26.9, hội nghị chuyên đề về “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở” đã khép lại.
Từ năm 2010 đến nay, tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL đang diễn ra nhanh và phức tạp với 562 điểm, tổng chiều dài 786km. Trong đó, sạt lở bờ song là 513 điểm/520km, bờ biển là 49 điểm/266km, đặc biệt là có 40 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 131km. Bên cạnh đó, diện tích rừng ngập mặn trong 5 năm (2011-2015) đã giảm 10%, tương ứng với 28.378ha.
Nguyên nhân là do tốc độ phát triển với sự gia tăng dân số, xây dựng các công trình hạ tầng, nhà ven sông, ven biển, tác động của nước biển dâng gây xói bờ… Đặc biệt là tình trạng khai thác cát quá mức.
Ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu thực trạng: Kiên Giang là địa phương chịu ảnh nặng nề của BĐKH và tác động từ chính con người. 10 năm nay, vùng ĐBSCL gần như không có lũ với những hệ lụy tiêu cực. Nước sinh hoạt trong dân cũng thiếu trầm trọng do khai thác quá mức, hạ tầng, thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức.
Ông Nhịn dẫn chứng Kiên Giang là địa phương sản xuất lúa gạo lớn nhất ĐBSCL với sản lượng 4,5 triệu tấn và 500.000 tấn thủy sản mỗi năm, tuy nhiên, chế biến nông sản lại rất hạn chế do hạ tầng giao thông yếu kém, các doanh nghiệp ngán ngại, trong khi thị trường tiêu thụ rất khó khăn.
“Hiện nay, Kiên Giang đã chuyển đổi một diện tích lớn trồng lúa sang luân canh tôm, cua, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hướng tới, chúng ta phải sản xuất lớn không thể nhỏ lẻ nữa, nhưng khi đó, chính sách về đất đai sẽ ra sao? Cần đẩy nhanh triển khai việc tích tụ ruộng đất một cách rõ ràng, cụ thể gắn với đầu tư hạ tầng đồng bộ” - ông Nhịn kiến nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận chất lượng từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các địa phương. Tất cả đều rất xác đáng, miêu tả bức tranh vùng ĐBSCL trong bối cảnh đầy thách thức cùng các giải pháp được đề xuất, kiến nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: ĐBSCL đang bị tác động nhiều hướng, nhiều chiều từ khách quan đến chủ quan. Trong tổn thương chung đó, nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nhóm đối tượng bị tổn thương lớn nhất. Giải quyết câu chuyện phát triển ĐBSCL thích ứng BĐKH không thể một sớm một chiều mà là liên tục, lâu dài, ở đó, tiên quyết phải có sự vào cuộc của cả cộng động xã hội với những giải pháp phù hợp.
Theo bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn