Định hướng của TH là nông nghiệp thông minh không chỉ bao gồm công nghệ mà phải cho ra đời những sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh: S.T.
Đón đầu công nghệ
Tập đoàn TH là một trong những DN được nhìn nhận đã tiên phong, đi đầu, đang liên tiếp cập nhật các tiến bộ mới trong nông nghiệp. Trang trại bò sữa của TH hiện có quy mô đàn bò hơn 45.000 con, sử dụng công nghệ hiện đại của các quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận hành, quản trị trang trại. Điển hình như, bò được đeo chíp và quản lý bằng phần mềm máy tính. Hệ thống vắt sữa tự động, khép kín, đảm bảo kiểm soát chất lượng sữa ở mức tốt nhất. Với các công nghệ hiện đại áp dụng tại trang trại, TH là DN đầu tiên được Bộ NN&PTTN công nhận là DN ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa.
Theo đại diện Tập đoàn TH, định hướng của TH là nông nghiệp thông minh không chỉ bao gồm công nghệ mà phải cho ra đời những sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng, phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn này hướng tới áp dụng nông nghiệp thông minh 4.0 để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, xây dựng hướng tiêu dùng thông minh bảo đảm sức khỏe. Tập đoàn đã có lộ trình để sản xuất các sản phẩm nông sản XK. Về các hoạt động cụ thể, tháng 2/2017, TH triển khai Dự án trồng rau củ hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình, khởi đầu cho chuỗi Dự án đầu tư trong nông nghiệp. Đến tháng 5/2017, Tập đoàn TH khảo sát xây dựng vùng nguyên liệu cho dược liệu tại Sơn La, Hà Giang và một số tỉnh Tây Nguyên… Các dự án này đều áp dụng công nghệ cao để sản xuất thực phẩm sạch và hữu cơ theo chuỗi.
Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới trường hợp của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trong việc chủ động, sẵn sàng với nông nghiệp 4.0. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, hơn 2 năm qua, Minh Phú đã thành lập chuỗi cung ứng tôm để giám sát và kiểm soát quá trình nuôi từ con giống, thức ăn, nuôi, giám sát thu hoạch đến khâu vận chuyển tôm về nhà máy. Trong chế biến, Minh Phú có tổng cộng 10 thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm với công nghệ tự động hoàn toàn, hệ thống máy chủ kết nối xuyên suốt với những máy còn lại và 8 công ty trực thuộc tập đoàn. Tập đoàn sử dụng cảm biến, định vị, quản lý dữ liệu đám mây… trong sản xuất và chế biến tôm không kháng sinh. Tôm Minh Phú hiện đang XK vào các thị trường “khó tính” như Nhật, Hoa Kỳ, Canada và EU.
Xung quanh vấn đề nông nghiệp thông minh, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình cho hay việc ứng dụng công nghệ sinh học trong cuộc cách mạng khoa học 4.0 là một ưu tiên của DN. Thực tế, suốt 15 năm qua, khoa học công nghệ được ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực từ quản lý, nghiên cứu phát triển đến chế biến bảo quản, xây dựng thương hiệu, phân phối sản phẩm… Đặc biệt, trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, DN là đơn vị đầu tiên xây dựng Trung tâm nghiên cứu trực thuộc DN tại Thái Bình và ngành giống Việt Nam.
Trong thời gian tới, Tổng công ty dự kiến sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao những công nghệ mới nhất về sinh học nhằm nghiên cứu, lai tạo phát triển các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu môi trường tự nhiên ở từng vùng sinh thái khác nhau; ứng dụng công nghệ tế bào, công nghệ gen để cải tiến các giống cây trồng đang có tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất nhằm hoàn thiện những giống tốt đã có, hạn chế nhược điểm và phát huy những ưu điểm của giống…
Cần chính sách toàn diện
Khá mặn mà với nông nghiệp 4.0, song theo ông Đoàn Huy Thông, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Phong (DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng), hiện nay còn nhiều rào cản khi DN, nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Điển hình như, tại trang trại do ông Thông đầu tư, do không tìm được nguồn đất tập trung với diện tích lớn nên chi phí đầu tư cho mỗi vườn rất lớn. “Ví dụ, mỗi hệ thống máy xử lý đất, nước có thể sử dụng cho 10 ha nhưng khu trang trại chỉ vỏn vẹn chưa đầy 21 ha nên không sử dụng hết công suất máy. Chánh Phong có 7 khu vườn trồng cây gây giống thì phải đầu tư 7 hệ thống máy móc như nhau, rồi phải thêm 7 người vận hành, quản lý… rất tốn kém. Để giải quyết vấn đề này cũng như khuyến khích nông dân tham gia cuộc cách mạng 4.0 trong nông nghiệp, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp cần có sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật”, ông Thông đề xuất.
Còn theo ông Trần Mạnh Báo, muốn khai thác những thế mạnh cũng như hạn chế tác động xấu của cách mạng 4.0 trong nông nghiệp, nhà nước phải xây dựng chính sách, chiến lược về khoa học công nghệ, lấy DN làm chủ để ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ; đồng thời rà soát lại các chính sách khuyến khích về khoa học công nghệ như chính sách thuế, đào tạo, bảo hiểm, chuyển giao cho phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế…
Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn TH phân tích thêm, khi áp dụng nông nghiệp thông minh 4.0, sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra như vốn, kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, nhãn mác, thương mại, thị trường… Nông nghiệp thông minh cũng đòi hỏi tính tuân thủ khắt khe. Bởi vậy, điều đầu tiên cần đặt ra là một chính sách toàn diện, trong đó có các tư vấn về công nghệ và đào tạo nhân lực, đặc biệt là nông dân để hoạt động này được thực hiện một cách bài bản.
Theo khái niệm của Mạng lưới chuyên đề canh tác thông minh châu Âu: Nông nghiệp 4.0 là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp, dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh trong nông nghiệp. Các thiết bị thông minh bao gồm cảm biến, các bộ điều tiết tự động, công nghệ có thể tính toán như bộ não và giao tiếp kỹ thuật số. Nông nghiệp 4.0 mở đường cho sự tiến hóa tiếp theo, bao gồm những hoạt động không cần có mặt con người trực tiếp và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định một cách tự động. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn