Giá trị kinh tế cao
Phúc Thọ là một trong những địa phương tích cực thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện có 3.164ha lúa chất lượng cao, chiếm 37,6% tổng diện tích gieo cấy lúa.
Năm 2014, cùng với sự hỗ trợ của TP, huyện đã hỗ trợ kinh phí 3 tỷ đồng (giống, mạ khay, máy cấy) phục vụ sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 360ha. Nhờ chính sách khuyến khích kịp thời, các giống lúa Hương Thơm số 1 và Nếp cái hoa vàng gieo cấy tại đồng đất địa phương đều cho năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế cao gấp 1,3 - 1,8 lần so với các giống lúa thường.
Sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. |
Theo Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, năm 2014, Trung tâm đã xây dựng được 63 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô 6.971ha tại 11 huyện ngoại thành: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Đan Phượng với tổng số 33.127 hộ nông dân tham gia sản xuất.
Năng suất các giống lúa chất lượng cao năm 2014 bình quân đạt 5,2 - 5,4 tấn/ha; tổng sản lượng đạt gần 37.000tấn. Giá trị sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 406,64 tỷ đồng.
Để chương trình triển khai hiệu quả, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã ký hợp đồng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với các HTX tham gia chương trình nhằm giúp các HTX chủ động điều hành sản xuất kịp thời ngay từ đầu vụ...
Thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ
Thành công ban đầu từ chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã tạo cơ hội thuận lợi để ngành nông nghiệp TP xây dựng nhiều nhãn hiệu, thương hiệu gạo chất lượng. Cụ thể, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tư vấn và xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể "Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn" (huyện Sóc Sơn) và "Gạo thơm Bối Khê" của HTX Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai).
Điều quan trọng là từ chương trình này, Sở NN&PTNT đã có định hướng, chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi về cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ với bộ giống lúa đảm bảo chất lượng, bao gồm: Bắc thơm số 7, Bắc thơm số 7 KBL, T10, Nàng Xuân, Hương thơm số 1, Nếp cái hoa vàng, Nếp vàng 1, Nếp 97...
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gặp không ít khó khăn khi triển khai do TP chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức hỗ trợ theo Nghị quyết 25/2013/HĐND của HĐND TP đối với các đối tượng tham gia chương trình. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp là yếu tố cho bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa.
Để chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao ngày càng có sức lan tỏa, tạo động lực cho nông dân và các HTX nhân rộng diện tích, ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại và đặc biệt là đầu tư cho công tác tuyển chọn các giống lúa chất lượng cao phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác 4 nhà (nhà quản lý, DN, nhà khoa học, nông dân) nhằm tăng hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa. Đặc biệt, Sở đề xuất với UBND TP về tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân và chính sách ưu đãi khuyến khích đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa hàng hóa nói riêng.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm TP mở rộng, phát triển thêm 36.780ha diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các huyện ngoại thành; hình thành các vùng lúa tiêu biểu như: Phúc Thọ với giống lúa Hương Thơm số 1, Thanh Oai và Thường Tín với giống Bắc thơm số 7. Đặc biệt, bước đầu khôi phục giống lúa đặc sản Nếp cái hoa vàng với 400ha tại Sóc Sơn và Thanh Oai. |