Thăm mô hình trồng hồ tiêu của anh Trần Văn Tâm. Ảnh: P.D |
Theo lời giới thiệu của anh Lê Tây Sơn-Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh, chúng tôi tìm về thôn Phú Bình, xã Ia Le để thăm mô hình kinh tế vườn-chuồng của anh Trần Quốc Việt. Ở tuổi 31, anh Việt đã là ông chủ của một vườn tiêu 700 trụ và 14 con bò, 30 con dê, bình quân mỗi năm cho thu nhập 150-200 triệu đồng.
Anh Việt chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì thi vào các trường cao đẳng, đại học như bạn bè, anh phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp kinh tế gia đình. Cuộc sống mưu sinh khó khăn khiến anh càng thêm quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, cứ có thời gian rảnh rỗi, anh lại tìm mua các tài liệu, sách báo để học thêm, đồng thời tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và từ những mô hình kinh tế hiệu quả ngay tại địa phương… Khi đã tích lũy được kinh nghiệm, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để bắt tay vào trồng tiêu trên trụ sống. Nhờ chịu khó tìm tòi, tích cực tham gia các lớp tập huấn và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong từng khâu, từ chọn giống, bón phân, trồng, chăm sóc… nên vườn tiêu của anh phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Khi vườn tiêu bắt đầu cho thu nhập, anh mở rộng thêm quy mô bằng cách kết hợp chăn nuôi thêm bò, dê. Mô hình kinh tế của anh hiện không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn được nhiều bạn trẻ tìm đến học hỏi.
Giống như anh Trần Quốc Việt, anh Trần Văn Tâm (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang) cũng chọn cách khởi nghiệp từ cây hồ tiêu. Lý giải cho quyết định của mình, anh Tâm cho hay, từ lâu, cây hồ tiêu đã gắn bó với người dân trong thôn, trong xã và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây tiêu thường mắc bệnh chết nhanh, chết chậm khiến người dân nhiều phen lao đao và vườn tiêu của gia đình anh cũng không tránh khỏi. Với quyết tâm cải tạo lại vườn cây để tăng năng suất, anh bàn với gia đình không trồng tiêu theo phương pháp truyền thống mà trồng có lưới che và lắp đặt hệ thống tưới nước bằng béc xoay để làm mát cây tiêu. “Hiện 500 trụ tiêu được trồng theo phương pháp mới đã bước sang năm thứ hai và đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định”-anh Tâm phấn khởi.
Trần Quốc Việt và Trần Văn Tâm chỉ là hai trong số hàng trăm thanh niên của huyện Chư Pưh đang nỗ lực từng ngày để làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Theo Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh, nhiều năm qua, Huyện đoàn luôn đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Cụ thể, Huyện đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cũng như các chi đoàn cơ sở vận động đoàn viên, thanh niên xung kích đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển sản xuất; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, hướng dẫn đoàn viên cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Nhờ đó, đến nay đã có nhiều mô hình kinh tế trang trại do thanh niên làm chủ; toàn huyện có khoảng 135 đoàn viên thanh niên có mức thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên.
Anh Lê Tây Sơn-Phó Bí thư Huyện đoàn Chư Pưh: “Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền và Đoàn cơ sở xây dựng các chương trình hành động giúp đỡ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm; phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện về nguồn vốn và tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để thanh niên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng”. |
Anh Huy-Trần Ngọc/ Báo Gia Lai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn