Theo đó, để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 về phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị và Thừa Thiên Huế” và Quyết định số 2124/QĐ-TTg ngày 28/12/2017 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/QĐ-TTg.
Thực hiện các quyết định này, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/9/2018, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên tổ chức 146 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp/dạy nghề dưới 3 tháng, đào tạo cho 4.791 người, với kinh phí thực hiện hơn 28,3 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cuối năm 2016 và năm 2017, Hà Tĩnh đã làm thủ tục hồ sơ cho 1.276 lao động thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đi làm việc tại Hàn Quốc ngành ngư nghiệp, chiếm gần 50% tổng số chỉ tiêu phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam.
Năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc không đồng ý tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cho các huyện ven biển do số lao động bất hợp pháp vượt quá quy định của Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc. Hà Tĩnh chỉ có duy nhất thị xã Kỳ Anh đủ điều kiện được tham gia Chương trình EPS với 68 người dự thi, 48 người đạt kết quả.
Tại các thị trường khác, từ năm 2017 đến nay, Hà Tĩnh đã có hơn 3.880 lao động của các huyện ven biển đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 121 hội nghị tư vấn việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động tại các huyện, thị xã ven biển và các xã bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; tổ chức các phiên giao dịch việc làm thu hút 14.570 lượt người tham gia, trong đó 3.216 người được phỏng vấn, tuyển dụng làm việc trong và ngoài tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện phòng LĐ-TB&XH một số huyện, thị xã đều cho rằng, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do văn bản hướng dẫn và kinh phí cấp muộn;
Việc mở lớp học nghề gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi phải bố trí học ghép liên xã, liên vùng; các cơ sở dạy nghề phải tổ chức đào tạo tại các địa phương, nên việc bố trí giáo viên, điều chuyển cơ sở vật chất phục vụ quá trình đào tạo gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo…
Từ những khó khăn trên, các đại biểu kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn để các địa phương thực hiện hiệu quả hơn việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Tác giả bài viết: Theo Nam Giang (báo Hà Tĩnh)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn