Theo “danh tiếng vang xa” của ông Hổ, chúng tôi tìm về gặp ông- người chủ nổi tiếng với chiếc máy xới trục liên hợp mang thương hiệu Thành Tín.
Thương hiệu “máy xới Thành Tín”
Xuất thân là dân kỹ thuật (tốt nghiệp ngành sư phạm kỹ thuật 4 tại tỉnh Vĩnh Long vào năm 1985), từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông Hổ đã ấp ủ ước mơ tự phát minh ra một cái máy vừa tiết kiệm công sức, vừa tiết kiệm tiền bạc cho người nông dân trồng lúa. Nghĩ là làm, “nghiệp” sáng chế của ông được bắt đầu ngay từ thời điểm đó, nhưng phải mãi sau hơn 20 năm (đến tháng 3.2013), ông mới hoàn thành chiếc máy xới trục liên hợp đầu tiên. Chiếc máy đã tiết kiệm được cho người dân 50 triệu đồng so với phải mua cả máy xới và máy trục thông thường, đồng thời tiết kiệm về chi phí làm đất đến 50 triệu đồng/120ha.Chia sẻ về những khởi nghiệp ban đầu của mình, ông Hổ nhớ lại: “Năm 1993, chiếc máy trục của xưởng cơ khí tỉnh Hậu Giang có mặt để phục vụ cho bà con nông dân. Nhưng chiếc máy này còn nhiều hạn chế nên khi nông dân sử dụng thì hư hỏng thường xuyên, làm không đủ vốn mua máy”. Nhận thấy những hạn chế cần khắc phục đó, ông đã tự mình lao vào nghiên cứu lại, từ cơ cấu truyền động va đập qua truyền động ma sát. Sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu ông đã cho ra đời chiếc máy trục hoàn toàn mới giúp nông dân thuận tiện hơn trong sử dụng, ít hư hỏng. “Ban đầu có nhiều đơn đặt hàng nhưng chỉ 2 năm sau thì loại máy này được nhiều nơi sản xuất. Khi đó mình cũng chưa biết gì đến sở hữu trí tuệ. Nhưng chiếc máy trục này chính là tiền thân của chiếc máy xới trục liên hợp sau này” - ông Hổ nhớ lại.
Dù vẫn luôn ấp ủ ước mơ cho ra đời một loại máy vừa xới, vừa trục nhưng với điều kiện kinh tế khó khăn, mãi đến năm 2013, nhờ được sự ủng hộ của nhiều người, cộng với việc sử dụng các phương tiện tự chế, máy móc, động cơ, sắt thép nguyên vật liệu có trên thị trường, ông Hổ mới chính thức cho ra đời chiếc máy mang tên “Máy xới trục liên hợp Thành Tín”.
Khoảng thời gian từ tháng 11.2012 đến tháng 3.2013 là thời gian ông thực hiện đề tài khoa học cấp huyện, nghiên cứu chế tạo máy xới trục liên hợp, với tổng kinh phí 120 triệu đồng, trong đó ông được hỗ trợ 38% (42,8 triệu đồng). Hiện giá một chiếc máy xới trục liên hợp bán ra thị trường là 55 triệu đồng (chưa tính chiếc máy nổ vận hành máy). Hiện ông đã bán ra thị trường 10 chiếc. Ông Hổ khoe: “Năm nay, số lượng người đặt mua nhiều nhưng do họ đều đặt hàng cận mùa vụ nên tôi không dám nhận nhiều vì sợ làm không kịp”.
Dẫn chúng tôi đến nhà anh Huỳnh Văn Phó (ngụ ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A) - một trong những khách hàng đầu tiên của mình, ông Hổ cho hay chiếc máy xới trục liên hợp anh Phó mua đến nay đã sử dụng gần 2 năm, thời điểm ấy có giá 55 triệu đồng. Anh Phó cho biết: “Sau khi mua máy từ chú Hổ về, tôi mua thêm chiếc máy dầu để gắn vào máy hết 17 triệu đồng nữa. Ngoài việc phục vụ cho ruộng nhà, tôi còn đi làm thuê cho bà con xung quanh, với giá xới trục liên hợp là 100.000 đồng/công, nếu chỉ trục thì giá 40.000 đồng/công”.
Ước mơ dang dở vì thiếu tiền nghiên cứu
Khó khăn lớn nhất hiện nay của ông Hổ chính là nguồn vốn để sản xuất. “Hiện nguyên liệu tôi kiếm dễ dàng nhưng không có đủ tiền để mua, cộng thêm không dám thuê sẵn nhiều nhân công nên ai đặt hàng mới dám nhận. Ngặt một nỗi nữa là đến mùa thì ai cũng đặt lúc đã cận kề mùa vụ, tôi làm không xuể nên chỉ dám nhận vài chiếc. Phải chi có đủ vốn tôi làm sẵn chừng 3 chiếc, nếu ai cần là có bán ngay thì hay biết mấy. Chứ như bây giờ khi khách hàng đến đặt làm máy thì họ thường phải đặt cọc 50% giá trị máy, tôi lấy số tiền đó để sắm nguyên liệu, chi trả một phần chi phí nhân công” - ông Hổ bộc bạch.
Chia sẻ với phóng viên NTNN, ông nói tiếp: “Chiếc máy này, giá trị nghe thì lớn nhưng số tiền thực sự thu về thì còn lại không bao nhiêu. Nội lực mình không có nên không có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu chiếc máy như mong muốn ban đầu. Hiện chiếc máy tuy thực hiện được thao tác ở cả 3 vụ, nhưng ở vụ giữa, mùa nhiều nước nên rơm rạ khó được dọn sạch do không đốt được sẽ làm cho quá trình xới không “ngon” như 2 vụ còn lại. Tôi muốn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để máy phục vụ tốt ở cả 3 vụ, ở các điều kiện khác nhau, ngay cả khi nông dân không đốt rơm vẫn xới trục được. Muốn làm được điều đó, ngoài thời gian thì nguồn vốn là một vấn đề khó khăn”.
Về nguồn nguyên liệu để chế tạo ra một chiếc máy hoàn chỉnh, chính ông Hổ là người mày mò, đi tìm kiếm từng chi tiết, từng miếng sắt thép nhỏ nhất. Ông tâm sự: “Cái nào sẵn có thì mình mua về làm, cái nào không có thì mình mày mò gia công lại, thậm chí “chế” lại. Đơn cử như hộp số của dàn xới trục là do tôi tận dụng lại bánh răng từ hộp số máy cày MTZ (một dạng máy cày của Liên Xô cũ). Chính vì nguồn nguyên liệu không chủ động được, nhiều chi tiết máy phải tận dụng, chế tạo lại từ đồ cũ nên có lúc cũng không như mong muốn. Nếu có một xưởng cơ khí quy mô, có thể gia công, chế tạo đồng loạt những chi tiết máy hoàn chỉnh thì việc lắp ráp chiếc máy xới trục liên hợp sẽ đồng bộ, chất lượng và nhanh chóng hơn rất nhiều”.
Trầm ngâm bên mớ sắt, thép để làm máy, ông Hổ nói: “Ước mơ lớn nhất của tôi là rồi đây chiếc máy xới trục liên hợp này sẽ có mặt rộng khắp các tỉnh ĐBSCL, xa hơn nữa là cả nước mình, để người nông dân không phải lệ thuộc vào máy móc ngoại nữa. Tôi chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ để những người nông dân được tiếp cận với chiếc máy, vì để mua nó cũng cần một số tiền không nhỏ. Từ đó mà cơ sở chế tạo máy mới có cơ hội có thị trường tiêu thụ”.
Được biết, hiện ông Hổ đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để đăng ký bằng sở hữu trí tuệ sản phẩm máy xới trục liên hợp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn