Khó khăn nữa là chính sách của Nhà nước để dồn điển đổi thửa, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất NNHC. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất”, bà Nhung nhấn mạnh.
Để tháo gỡ những khó khăn này, Hiệp hội NNHC Việt Nam đã đưa ra các bằng chứng về sản phẩm NNHC có thể làm thay đổi hành vi của người nông dân trong sản xuất. Quan trọng nhất là họ phải tự chịu trách nhiệm với chính sản phẩm làm ra đến tận bàn ăn của người tiêu dùng; đồng thời có thể tự sản xuất trên chính mảnh đất của họ. Chính điều này cũng làm thay đổi quan niệm và cách nhìn nhận của người tiêu dùng về NNHC.
“Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về NNHC đã mở ra hướng phát triển cho ngành NNHC. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng thông tư hướng dẫn; Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 về NNHC để tổ chức triển khai… Tuy nhiên, để thị trường NNHC phát triển lành mạnh thì Chính phủ cũng cần có chính sách để giám sát thị trường này,” bà Nhung bày tỏ quan điểm.
Xu hướng phát triển
Tại hội thảo “Đề xuất giải pháp phát triển NNHC tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, các đại biểu đều nhận định, hệ thống canh tác NNHC đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới khi áp lực về lương thực giảm, áp lực vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng. Tuy nhiên, NNHC Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức, bởi chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để khuyến khích phát triển. Hệ thống chứng nhận, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát chưa hoàn chỉnh; các hộ sản xuất vẫn là tự nguyện…
Theo ông Olivier Catrau (Viện Quốc gia về Xuất xứ và chất lượng, Bộ Nông nghiệp Pháp), Việt Nam cần xây dựng một tiêu chuẩn cho phép nông sản có thể tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Chú trọng thông tin, tuyên truyền để người sản xuất có hiểu biết đầy đủ, chính xác về nguyên tắc và quy định đối với thực hành NNHC. Hiểu biết tốt sẽ giúp thực hành tốt hơn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030”, nhằm mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam đứng trong top 15 của thế giới về NNHC.
Theo dự thảo, đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích gieo trồng; chăn nuôi có 5-10% sản phẩm hữu cơ (riêng đối với ong và sản phẩm từ ong khoảng 40-50% hữu cơ); khoảng 2-3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tương đương 60.000 ha.
Đến năm 2030, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 7-10% diện tích gieo trồng (riêng đối với các cây dược liệu, hương liệu và các sản phẩm từ thiên nhiên, diện tích hữu cơ đạt khoảng 40-50%), năng suất cây trồng hữu cơ đạt khoảng 95-100% năng suất cây trồng thường; vật nuôi có 5 - 10% sản phẩm hữu cơ; thủy sản có khoảng 7-8% diện tích, tương đương 100.000ha, sản lượng khoảng 500.000 tấn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong các giải pháp triển khai đề án, sẽ chú trọng đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển NNHC. Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cũng như hướng đến xuất khẩu.
Hiện, Việt Nam đã kết nối được với một số tổ chức quốc tế quan trọng như: Liên đoàn các phong trào NNHC quốc tế (IFOAM), Liên đoàn các phong trào hữu cơ châu Á (IFOAM Asia), Tổ chức chính quyền địa phương về NNHC (ALGOA), cùng nhiều quốc gia có nền NNHC tiên tiến. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc chứng nhận các sản phẩm NNHC theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Dự kiến trong quý IV/2019, dự thảo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, chi phí sản xuất cho 1ha cây trồng hữu cơ, hoặc 1 tấn thịt hơi hữu cơ (lợn, gà, bò) cao hơn 1,15-1,3 lần, nhưng lại cho doanh thu cao hơn 1,5-1,7 lần so với trồng trọt, chăn nuôi truyền thống. Đến nay, tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ hàng năm tại Việt Nam khoảng 500 tỷ đồng, trong đó, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khoảng 400 tỷ đồng. Đáng chú ý, Việt Nam hiện có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau quả hữu cơ sang thị trường Pháp, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Trung Quốc, Mỹ… Tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 260.000 tấn, giá trị trên 15 triệu USD. Một số mặt hàng thủy sản hữu cơ cũng đã đến được nhiều quốc gia với mức giá cao hơn khoảng 30% và tổng giá trị ước đạt trên 10 triệu USD/năm. Cà phê, gạo, điều, hạt tiêu hữu cơ cũng bước đầu xuất khẩu thành công, dù sản lượng chưa nhiều. |