Quê tôi là vùng chiêm trũng, cuộc sống người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ bao đời nay nhưng cuộc sống cũng chẳng khá lên là mấy! Ở làng tôi, các cụ vẫn nói với đám con cháu, cứ bám nông nghiệp, bám cây lúa thì chẳng bao giờ ngẩng mặt lên với thiên hạ được.
Mà quả đúng vậy. Bao nhiêu năm nay, những ngôi nhà khang trang hơn, vật dụng trong nhà khấm khá hơn đều được xây dựng từ nguồn tiền đi làm thuê trên thành phố mang về.
Chị họ tôi, vốn tính nhút nhát, rụt rè, cả đời không rời lũy tre làng nên gom hết các sào ruộng khoán ở lại quê làm ruộng. Cả năm cấy trồng, lãi lờ chẳng đáng là bao, không bằng một tháng cô em út đi đồng nát ở thành phố. Những người ở lại quê như chị họ tôi cũng chẳng hơn gì, họ cũng xoay vần, cũng cố gắng, cũng chuyển đổi, cũng áp dụng giống mới, bón phân đủ kiểu, nhưng vụ nào cũng vậy, dừng tay tính toán là lỗ, vụ nào may lắm thì coi như lấy công làm lãi.
Mấy năm nay, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nhân công cũng theo đó tăng vù vù. Vụ nào cũng thua lỗ, càng làm nhiều càng lỗ. Nhiều lần tôi nói với chị: “vậy chị thôi đi, đừng làm nữa” thì bao giờ cũng nhận được câu trả lời: “nông dân không làm ruộng thì biết làm gì? Chẳng lẽ nhìn đất bỏ hoang? Nông dân bỏ đất là có tội đấy!” Ấy thế mà bây giờ thì chị bỏ đất, mà bỏ thật.
Chị tôi cũng lên thành phố, tòng teng đôi quang gánh, khi thì kiếm vài đồ ve chai, lúc thì giúp việc cho nhà này, nhà nọ, khi thì buôn bán vài thứ hoa quả, hay làm bất cứ việc gì ở thành phố. Vậy mà chỉ vài ngày lê la phố thị đã bằng cả mấy vụ cấy trồng của chị ở quê. Chị cứ tấm tắc, các cụ xưa ví cấm có sai: “giàu nhà quê chẳng bằng ngồi lê thành phố”
Ông bác tôi trầm ngâm: "nông dân bỏ đất cũng là chuyện cực chẳng đã thôi! Nghĩ mà buồn.." Nỗi buồn của ông ai cũng hiểu mà chẳng thể nói ra. Chẳng lẽ cứ bắt con, cháu cực nhọc mãi mà chẳng có thành quả!
Ngày trước, ừ thì cứ gieo, cứ cấy, đến khi gặt hái, lấy công làm lãi được rồi. Nhưng giờ thì làm gì có nhân công, thuê cũng chẳng được, vậy là bỏ hoang thôi!
Diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày một nhiều do thu nhập thấp |
Có người nói, phải thấy rằng hàng ngàn hec-ta đất bỏ hoang như con số thống kê rụt rè của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) năm 2011 đáng báo động như hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp phá sản, hay tình trạng bất động sản "đóng băng" chứ? 6.300 hec-ta đâu phải ít, lại nhắm cả vào những địa phương từng là vựa lúa của Bắc bộ như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương…thì đâu phải chuyện đùa.
Tôi lại nhớ, cũng ở quê tôi, những ngày đấu thầu đất bãi, thùng đào, thùng đấu cứ vui như hội. Nhà nào nhà nấy phấn khởi vì đấu được bãi đất hoang, rồi hì hục cải tạo để có miếng đất cấy cày. Nhà nào thêm khẩu được chia thêm ruộng khoán thì cứ gọi là mừng cả tháng. Vậy mà giờ thì bờ xôi, ruộng mật cũng bị bỏ hoang. Nghĩ sao không buồn cơ chứ!
Nước ta là nước nông nghiệp, ai trong chúng ta chả gắn bó với đất. Nhìn đất bỏ hoang cứ thấy xót xa trong lòng. Nhưng lạ ở chỗ, khi hỏi cán bộ, lãnh đạo địa phương về tình trạng nông dân bỏ ruộng thì chẳng ông nào nhận ở địa phương mình, cứ như chuyện ở đẩu đâu, thế nhưng về đến cơ sở thì sự thật cứ sờ sờ ra đấy.
Trả lời chất vấn khi dân hỏi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chả nói: “Kết quả bước đầu cho thấy, nguyên nhân nông dân bỏ ruộng là do thời gian gần đây giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá đầu ra của nhiều loại nông sản xuống thấp. Bộ trưởng cho biết, sẽ tạo điều kiện để bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay vì trồng lúa chuyển sang trồng những loại cây có triển vọng cao hơn.”
Triển vọng cao hơn là cây gì? Câu chuyện này hình như nói đã lâu lắm. Trong điều kiện thị trường như hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì quỹ đất lúa, tuy nhiên trên đất lúa bà con vẫn có thể chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chọn cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao thì ai cũng nói được, nhưng nông dân thì lại cần cán bộ địa phương, cán bộ nông nghiệp nói rõ xem cụ tỷ đó là cây gì, lợi thế địa phương ở chỗ nào, để mà làm, để mà cạnh tranh.
Tìm cây trồng phù hợp có lợi thế thay cây lúa vẫn là bài toán đối với nông dân |
Cụm từ “tái cơ cấu”, “giá trị gia tăng” xem ra có vẻ “bác học” với nông dân khi mà xưa này người nông dân chỉ quen với phân, gio, giống, má…Trong đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho biết, Bộ đang rà soát để quy hoạch lại cây trồng trên đất lúa. Tùy theo tình hình của từng địa phương sẽ lựa chọn những cây trồng phù hợp đem lại thu nhập cao hơn.
Vẫn biết nói thì dễ hơn làm. Nhưng phải làm gì đó cho nông dân, bởi dường như ai cũng hiểu phần thiệt thòi đều rơi vào nông dân, tầng lớp ấy luôn phải gánh đỡ những rủi ro của nền kinh tế, và cũng chính tầng lớp ấy là mong manh nhất khi phải chống đỡ với những cơn bão từ thiên nhiên hay chính con người.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn từng thốt lên: “Nông dân đã hy sinh quá nhiều! Cái chúng ta lấy đi từ nông nghiệp, nông thôn quá lớn so với trả lại cho họ”. Thế thì làm gì để “trả nợ” nông dân cho xứng đáng? Những chính sách đi kèm phải là chính sách vì nông dân, và phải coi đó là một nguyên tắc “bất di, bất dịch” trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Làm gì chăng nữa cái đích cuối cùng của hệ thống các giải pháp là phải làm sao để nông dân là chủ thể của đồng ruộng, để người trồng lúa phải thực sự có lãi tương xứng với thành quả lao động mà họ bỏ ra.
Nói một cách hình tượng như ông bác tôi thì cái giá đỡ nền kinh tế trước hết phải là cái giá đỡ cho chính những người tạo dựng ra nó. Khi giá đỡ lung lay thì mọi giá trị cũng sẽ đảo lộn mà thôi./.
Mọi ý kiến đóng góp cho cho lộ trình Tái cơ cấu nông nghiệp, vui lòng nhập vào Ý KIẾN BẠN ĐỌC ngay cuối bài viết hoặc gửi tới hộp thư noidung@vovnews.vn, hay gửi trực tiếp tới hòm thư điện tử của TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn- Trưởng nhóm nghiên cứu “Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030”; Email:dangkimson@ipsard.gov.vn.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn