02:44 EST Thứ ba, 21/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Hiệu quả các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ ba - 26/09/2017 10:51
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Với diện tích 2.095,39 km2 và dân số khoảng 8,441 triệu người. Diện tích đất nông nghiệp khoảng 115,9 ngàn ha (chiếm khoảng 54,8% tổng diện tích đất tự nhiên), trong đó đất sản xuất nông nghiệp 66,6 ngàn ha, chủ yếu tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).
Năm 2016, GRDP của ngành nông nghiệp tăng 5,8%, bằng 4,8 lần so mức tăng cả nước là 1,2% (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra tăng 5%/năm). Giá trị sản xuất tăng 5,8%, bằng 4 lần so mức tăng cả nước là 1,44%. Tuy nông nghiệp chỉ chiếm  0,9% trong tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của Thành phố; nhưng địa bàn của 5 huyện ngoại thành là nơi sinh sống trực tiếp của trên 1,582 triệu người. Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm có giảm, nhưng giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp vẫn tăng, năm 2016 đạt 410 triệu đồng/ha, tăng 9,3% so năm 2015 (375 triệu đồng/ha).
Trong thời gian qua, với tư duy đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ trương, quan điểm, chính sách chung vào điều kiện thực tế, tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Thành phố là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đạt được những kết quả ấn tượng.
Thành phố có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3/5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015. Có 19.650 hộ dân hiến 2.014.690 m2 đất, xây dựng hơn 7.804 công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội, quy giá trị trên 1.455 tỷ đồng. Nhiều chính sách, giải pháp huy động mọi nguồn lực trong dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất. Thu nhập hộ gia đình tại 56 xã bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm 2015.
Thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, phong trào nông dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới, nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi… đã có nhiều nông dân, doanh nghiệp dám nghỉ, dám làm, quyết tìm tòi học hỏi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất cây con mới, đạt hiệu quả kinh tế cao.
1. Mô hình sinh thái kết hợp trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch. (Báo Sài gòn giải phóng phát hành ngày 18/01/2017 – trang 4)

Gặp chị Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Khu du lịch Nông trang xanh Green Noen Củ Chi tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017, chị tâm sự “Nông trang xanh được hình thành từ năm 2010, với diện tích đầu tư ban đầu khoảng 3 héc ta, tọa lạc tại địa chỉ 816/18, đường Nguyễn Thị Rành, ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Ban đầu trang trại chỉ dự tính trồng nấm linh chi và các loại nấm ăn nhiệt đới như nấm mèo, nấm bào ngư trắng, nấm xám nhằm phục vụ một số sản phẩm sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Khi đó trang trại chị tự đầu tư làm phân lập giống, cấy meo nấm, meo cọng, bịch phôi vừa để trồng tại trại, vừa để phục vụ các hộ dân trồng nấm khu vực lân cận tại huyện Củ Chi và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước”.

Mục tiêu và chiến lược ban đầu của trang trại chị mong muốn cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch cũng như tạo dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm, Nông trang xanh gặp không ít khó khăn, do mô hình trang trại kiểu này ở Việt Nam mới bắt đầu hình thành và phát triển. Thế là chị tìm tòi nghiên cứu chiến lược phát triển và tham quan học hỏi một số mô hình nông trang của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ đó, chị định hướng phát triển trang trại theo hướng mô hình hữu cơ nên những chất dinh dưỡng dùng cho cây trồng được chọn là phân trùn quế.

Thời gian đầu, để phát triển trang trại nên phải đi mua ở ngoài không đảm bảo được chất lượng cũng như kế hoạch sản xuất, vì thế trang trại của chị đầu tư phát triển nuôi thêm bò sữa, vừa lấy sữa chế biến vừa có nguồn phân ổn định đầu vào để nuôi trùn quế. Song song đó, chị đầu tư mở rộng diện tích thêm 6 héc ta, với mục đích để trồng cỏ voi, cung cấp thức ăn cho bò sữa và các vật nuôi khác như: hươu, nai, dê, cừu, ngựa….

Sau 6 năm vượt khó cho đến nay trang trại của chị đã đầu tư mở rộng, tổng diện tích khoảng 20 héc ta, phân chia hợp lý. Có 33 nhà trồng nấm; 4 khu chuồng trại chăn nuôi hơn 100 con bò sữa, cùng các loại vật nuôi như dê, cừu, nai, hươu, sao, gà gô, vịt trời…; 5.000 m2 nhà màng trồng dưa lưới và rau sạch.

Hiện chị đang đầu tư, đưa vào hoạt động hệ thống dây chuyền chế biến sữa tươi thanh trùng. Hệ thống máy móc được nhập từ Châu Âu, với sự lắp ráp của các chuyên gia đến từ Hà Lan, Úc, công suất 2 tấn/giờ. Đặc biệt hơn nữa khi tham quan nhà máy mỗi quý, khách du lịch sẽ được nhận 1 chai sữa bò tươi nguyên chất 100% được làm từ sữa bò tươi.
Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Hường kể tiếp: “Để nhân rộng mô hình trồng nấm sạch và tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trên địa bàn, trang trại chị không chỉ cung cấp meo giống, bịch phôi, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm mà còn đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nấm. Với giá một bịch phôi chưa đến 4.000 đồng, trồng trong vòng 3 tháng sẽ cho ra 300 - 400 gram nấm tươi. Trong khi đó, giá nấm trên thị trường dao động trên dưới 50.000  đồng/kg, nếu trồng với số lượng lớn thì sẽ thu được khoản lợi nhuận không hề nhỏ”.
Trang trại của chị còn chăn nuôi bò sữa, trồng hoa và rau sạch. Có hệ thống đồng cỏ cho bò ăn, bò nghe nhạc, đồng cỏ cho bò dạo chơi cùng với sự hướng dẫn và kết hợp của các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu được đào tạo tại Việt Nam, đảm bảo cho ra nguồn sữa bò tốt nhất.
Ngoài mong muốn cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng, trang trại của chị còn tổ chức kết hợp là nơi trải nghiệm về nông nghiệp sạch, giải trí và giáo dục. Du khách đến với trang trại của chị có thể tận tay vắt sữa bò, hái nấm, trồng rau,…cảm giác cực kỳ lý thú; chụp hình hay ngắm hoa lan và tham quan các vật dụng làm nông ngày xưa, như cối xay lúa, cối giã gạo…
Sau khi khám phá và trải nghiệm về nông nghiệp tại trang trại, du khách đến với Nông trang xanh còn có nhà hang, với rất nhiều món đa dạng về các loại nấm ăn, rau sạch, các loại thực phẩm sạch của trang trại, đảm bảo tươi ngon và an toàn….. Ngoài phục vụ du khách đến trải nghiệm trong ngày thì với khuôn viên rộng lớn, trang trại cũng hỗ trợ cho du khách muốn ở lại cắm trại qua đêm, hỗ trợ phòng nghỉ cho du khách và các học sinh, sinh viên với thiết kế đậm chất chân quê, mộc mạc nhưng đảm bảo tiện nghi, xen lẫn như một câu chuyện cổ tích cho trẻ thơ hiện đại và sang trọng.
Thời gian gần đây, trang trại của chị cũng đã trở thành điểm đến cho hàng trăm các học sinh, sinh viên của các trường đại học và học sinh được trải nghiệm thực tế về nông nghiệp, những công việc chăn nuôi, trồng trọt với bà con nông dân như: cấy mạ, sạ lúa, tìm hiểu về quy trình trồng lúa, gặt lúa; làm bịch phôi nấm, hái nấm; vắt sữa bò; chăm sóc gia súc, nhặt trứng gà và xem gà con nở ra từ quả trứng, tham gia vào công đoạn đóng gói cuối cùng trong nhà máy chế biến sữa…. Giúp các em hiểu biết thêm về động vật (gia súc, gia cầm), thực vật (cây 1 lá mầm, 2 lá mầm, cây lương thực rau, cây thân gỗ), nấm các loại; hiểu biết thêm về thiên nhiên xung quanh và đặc biệt giúp các em trân trọng thành quả lao động từ sản xuất nông nghiệp.
Mỗi năm trang trại của chị đón vài ngàn lượt học sinh, sinh viên và các du khách đến tham quan, học nghề cũng như tìm hiểu chuyên sâu về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của nông nghiệp đô thị. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang tìm hiểu xem xét để đi đến liên kết với nông trại nhằm thiết kế tour du lịch cho du khách muốn trải nghiệm về nông nghiệp cho các con em cũng như công chức, viên chức cơ quan nhà nước muốn tìm hiểu, xem đây là điểm dừng chân thú vị cho du khách khi về tham quan huyện Củ Chi.
 Trang trại của chị đã tạo việc làm ổn định cho hơn 25 lao động với mức lương từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng; đóng góp các qũy khuyến học, qũy vì người nghèo, đóng góp cho các vùng thiên tai…. Nhiều năm trang trại tự bỏ tiền tu sửa con đường vào trang trại cùng với đầu tư đường điện, mở rộng sản xuất.
Chia tay chị Hường tiếp lời “Có được kết quả ngày hôm nay là sự lao động hết mình, sự vượt lên gian khó của tất cả những con người đang làm việc tại Nông trang xanh. Bên cạnh đó nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các Sở, ban ngành của Thành phố, đặc biệt là sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Du lịch và Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Ủy ban nhân dân xã An Nhơn Tây.”
Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017, Nông trang xanh Green Noen Củ Chi của chị Hường được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khen là một trong những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển ngành nông nghiệp đô thị.
MẬU KIỆT_B1_A1.jpg


 Chị Hường nhận Bằng khen của UBNDTP (đứng thứ 4 – từ phải qua)
 


MẬU KIỆT_B1_A2.png

 
 
MẬU KIỆT_B1_A3.png

 
 
2. Khởi nghiệp từ trồng dưa lưới theo công nghệ cao.(Báo Sài gòn giải phóng phát hành ngày 31/5/2017 - trang 4)
MẬU KIỆT_B1_A4.jpg 
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Lê Nguyễn Cẩm Tú
Gặp anh Lê Nguyễn Cẩm Tú, ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh tại Diễn đàn khởi nghiệp nông nghiệp – Góc nhìn thời đại mới. Anh tâm sự: Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng anh lại có niềm đam mê về sản xuất nông nghiệp. Anh xác định ngay từ bước đầu là tham gia khóa ươm tạo doanh nghiệp, được đào tạo bài bản, tiếp cận với công nghệ mới về trồng dưa lưới công nghệ cao, do Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tổ chức. Năm 2015, anh bắt tay vào trồng thử nghiệm 1.000 cây dưa lưới trong diện tích nhà màng 600m2, để có kinh nghiệm mở rộng sản xuất.
Đi đến thành công là nhờ có đào tạo bài bản và kinh nghiệm trồng thử nghiệm, anh mạnh dạn thuê đất 8.000m2 xây dựng dự án vay vốn ngân hàng, bạn bè đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao. Anh cho biết thời vụ trồng dưa lưới là 3 tháng, một năm trồng hơn 3 vụ, năng suất đạt khoảng 90 tấn/ha, giá bình quân 55.000 đồng/kg, doanh thu trên 4 tỉ đồng/ha/năm.
Anh trao đổi kinh nghiệm trồng dưa lưới, hạt giống mua từ Đài Loan. Kết cấu  nhà màng, kiểu nhà trồng cây công nghệ Israel, mỗi nhà tứ bề có lưới ngăn côn trùng, mái thưng bằng vải nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió, xung quanh bao kín bởi lưới chống côn trùng. Có hệ thống tưới nhỏ giọt, anh tự chế hệ thống lọc, tưới nước thông minh cho vườn dưa. Đồng thời, nghiên cứu công thức bón phân hữu cơ cho vườn dưa, vừa tạo độ ẩm vừa đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
Ương hạt trong khay, sau 10 ngày, đem ra nhà màng trồng trong túi nilon trắng, xếp thành hàng. Treo dây cố định cây, đến giai đoạn ra hoa tiến hành thụ phấn thủ công. Mỗi cây để lại 1 quả, sau đó tỉa hết cành nách tạo thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Khi quả có đường kính từ 2 - 4 cm (khoảng 40 ngày sau trồng) thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Quy trình chăm sóc dưa anh đã tính toán lập trình biểu đồ dinh dưỡng hợp lý, nhất là giai đoạn thụ phấn thủ công, công thức bón phân đảm bảo dinh dưỡng cho cây. Nhờ tính cần cù năng động và vận dụng linh hoạt những kiến thức về kỹ thuật được trang bị trong quá trình ươm tạo và kinh nghiệm từ thực tiễn đã giúp giảm được chi phí đầu tư tối đa.
Hiện nay sản lượng của nông trại anh Tú chưa đủ cung cấp cho thị trường tiêu thụ Thành phố. Dự kiến trong thời gian tới, anh tăng quy mô sản xuất tập trung khoảng 5 ha, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng, giảm giá thành, mở rộng cung cấp cho thị trường phổ thông ở Thành phố.
3. Sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao.(Báo Sài gòn giải phóng phát hành ngày 07/4/2017 – trang 4)
Gặp gỡ và trao đổi với chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, ngụ tại ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, chị tâm sự: “Gia đình tôi vốn gắn bó với nghề buôn bán vật liệu xây dựng, cơ duyên đến với nghề trồng hoa lan từ năm 2007, thông qua phương tiện truyền thông và giới thiệu của ngành nông nghiệp huyện Củ Chi tôi được biết về hoa lan. Là người yêu hoa, nên mỗi ngày khi cả đang làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng, tôi lúc nào cũng không quên ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó, mình sẽ được sở hữu cả vườn lan. Rồi cơ hội cũng đến, khởi nghiệp ban đầu tôi tìm hiểu trồng thí điểm 4.000 gốc lan Mokara. Khi mới trồng tôi cũng bở ngỡ lắm vì đây là giống lan nhập khẩu và là loại cây trồng mới tại Việt Nam nên tài liệu về cây lan rất ít. Thiếu kiến thức, kinh nghiệm bước đầu khi đem về trồng cây thường phát sinh bệnh nấm, sâu bệnh, lan chết la liệt. Không từ bỏ niềm đam mê tôi đã quyết tâm phải chinh phục đối với loại cây trồng mới này, tôi tiếp tục tìm tòi học hỏi đồng thời cũng biết Thành phố đã có định hướng phát triển đối với cây hoa lan. Được sự hỗ trợ giúp đỡ của của các ngành, tôi tiếp tục đầu tư để lấy thêm kinh nghiệm. Sau thời gian thực hiện tôi đã căn bản nắm được cách trồng và điều trị bệnh cho hoa lan”.
Tưởng đơn giản, nhưng để có kinh nghiệm và tìm cách trị được các loại sâu bệnh trên hoa lan, chị Huyền phải mất 4 năm sau, chị mới yêu tâm đầu tư vào nghiệp trồng lan. Từ 1 ha ban đầu, năm 2012, chị quyết định chuyển đổi đất ruộng 4 ha trồng cao su sang trồng lan. Cộng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt phương án trồng lan có hỗ trợ lãi vay theo chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, chị mạnh dạn đầu tư trang trại hoa lan 5 ha, có tên gọi rất lãng mạn “Vườn Lan Huyền Thoại”.
Với diện tích 5 ha, chị Huyền đầu tư 300 luống và hệ thống tưới phun tự động, thuốc và phân bón; với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Các giống lan chị trồng gồm 140.000 gốc lan Mokara; trong đó có 15 loại giống: đỏ renred, đỏ redsun, đỏ lá quặt, đỏ mô đăng, vàng lê na, vàng chanh, vàng mai, vàng chao sunset, vàng nến, vàng đồng, tím kenyku, bò cạp vàng, bò cạp đỏ, bò cạp phượng vĩ và lan Denrobium 10.000 gốc, trong đó có Denro tím, Denro trắng các loại… Theo sự tính toán của chị, khi đi vào thu hoạch, bình quân mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 2 tỷ đồng từ tiền bán hoa lan.
Mô hình trang trại của chị Huyền đã trở thành điểm thực nghiệm cho bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan. Chị sẵn sàng hỗ trợ cho các hộ dân về kỹ thuật, giống và kinh nghiệm của mình trong việc trồng chăm sóc hoa lan và thu mua, hợp tác với những vườn lan có quy mô nhỏ để tạo thành vùng chuyên sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lan với quy mô lớn.
Qua trò chuyện với chị Huyền, chúng tôi được biết, chị đang xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đó là đầu tư hệ thống cấy mô để làm chủ khâu sản xuất giống để giảm được chi phí cây giống, đồng thời cung cấp giống cho các hộ dân trồng hoa lan. Bên cạnh đó, chị cũng cho biết, chị đang phát triển vườn lan theo hướng kết hợp du lịch, vừa giúp cho người tham quan có một điểm dừng chân thú vị, vừa quảng bá sản phẩm nhà vườn cũng như quảng bá hình ảnh nông nghiệp đô thị Thành phố.
Giờ đây, trang trại hoa lan Huyền Thoại của chị Huyền đã trở thành mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Là mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Với những đóng góp của mình, vườn lan của gia đình chị đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng bằng khen đóng góp xuất sắc vào phát triển nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới.

MẬU KIỆT_B1_A5.jpg
 
 

 

MẬU KIỆT_B1_A6.jpg

Chị Thanh Huyền bên vườn lan của mình
Có thể nói, các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ khi xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện nhằm khôi phục, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở ngoại thành, nhất là thủy lợi, giao thông, điện, y tế, giáo dục… nên bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tiến bộ sau hơn 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước. Tiềm năng đất đai, kinh tế nông nghiệp, nông thôn từng bước phát huy, sản phẩm nông lâm ngư nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều ngành nghề được khôi phục, mở rộng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn ngoại thành theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: diện tích

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 199


Hôm nayHôm nay : 34021

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1110145

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74157116