Xây dựng đường giao thông, một trong các tiêu chí quan trọng trong XDNTM tại Bá Thước.
Xác định chương trình XDNTM cần phải có sự đồng thuận, tham gia tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân dân các dân tộc. Ban chỉ đạo XDNTM huyện Bá Thước đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Qua đó, để người dân hiểu rõ XDNTM là công việc của mọi người, mọi nhà “dân làm, dân hưởng”, có sự hỗ trợ của Nhà nước và các DN. Cùng với đó là các phong trào thi đua như “Phụ nữ chung tay XDNTM” của Hội Phụ nữ; “Tuổi trẻ Bá Thước chung tay XDNTM” của Đoàn Thanh niên phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện; “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với XDNTM” của Mặt trận Tổ quốc huyện… Nhờ đó, tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, thờ ơ với phong trào đã dần được đẩy lùi. Hầu hết người dân đều hăng hái tham gia chương trình XDNTM với những việc làm thiết thực, người góp công, người góp của, kể cả hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa… Bên cạnh đó, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích tích tụ đất đai phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây, con, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, sản lượng lương thực, cơ chế huy động vốn trong đấu giá sử dụng đất để các xã, thị trấn có nguồn lực XDNTM.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Từ năm 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân trong sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện luôn đạt 7,4%. Năng suất, sản lượng lương thực không ngừng tăng. Năm 2015, đạt 51,7 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 35.983 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Một số cây công nghiệp chủ lực như sắn cung cấp cho các nhà máy chế biến, luôn giữ mức ổn định 25.000 tấn/năm. Cây mía đường nguyên liệu, năm 2011 diện tích 320ha, sản lượng 21.760 tấn, năm 2015 phát triển lên 3.223,6ha, sản lượng 113.200 tấn. Ngoài ra, huyện còn chú trọng phát triển mô hình trồng cây mía đỏ đang được thị trường ưa chuộng, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cây mía đỏ.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng tăng trưởng khá nhờ mô hình trang trại, gia trại. Năm 2015, toàn huyện có 14 trang trại chăn nuôi, tổng đàn trâu 20.681 con, bò 10.454 con, lợn 34.048 con, đàn gia cầm 546.520 con, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8.900 tấn. Về nuôi trồng thủy sản, năm 2015 toàn huyện có 600 cơ sở nuôi trồng với 1.000 lồng cá, sản lượng ước đạt 880 tấn.
Bên cạnh sản xuất, chăn nuôi. Bá Thước đã chú trọng thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu như Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn trong XDNTM. Triển khai từ 2012 đến nay, tổng kinh phí 4.894,3 triệu đồng. Trong đó nhân dân đầu tư gần 50%. Các chương trình 30a, 135 và các dự án khác. Trong 5 năm 2010 - 2015 thu hút được 86.358 triệu đồng, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi cho các hộ…
Nhờ các chương trình được triển khai hiệu quả đã tác động tích cực đến XDNTM mới. Trong 5 năm 2010 - 2015, toàn huyện có 9 xã đã nhựa hóa, bê tông hóa 19,69km đường giao thông, nâng tổng số đường xã đã bê tông hóa lên 68,26km. Có 104 thôn (chiếm 47,27% số thôn), thuộc 22 xã đã bê tông hóa được 59,32km đường trục thôn. Nâng tổng số ki-lô-mét đường trục thôn được bê tông hóa lên 73,03km. Điển hình trong bê tông hóa đường giao thông là các xã Tân Lập, Điền Trung, Điền Lư, Ban Công, Thành Lâm… Ngoài ra, có 17 xã đã có đường làng, ngõ xóm (tổng chiều dài 158,27km) sạch đẹp, không lầy lội vào mùa mưa, đạt tỷ lệ 30,44% so với Đề án.
Về kênh mương thủy lợi nội đồng, có 17 xã đã bê tông hóa được 23,3km kênh mương nội đồng, nâng tổng số toàn hyện đạt 117,4km, bằng 23,3% so với Đề án. Cùng thời gian 2011 - 2015, toàn huyện đã xây mới, nâng cấp 10 nhà văn hóa xã, 39 nhà văn hóa thôn, xây mới 32 phòng học, xây mới 29 công trình nước sinh hoạt tập trung, 7 công sở xã, 4 trạm Y tế xã, xóa 2.859 nhà tạm. Trong 5 năm toàn huyện có 19 trường học đạt chuẩn, đạt 24,39% trường học của huyện. Về nước sạch, có 87,76% số hộ được dùng nước sạch; 95,07% số hộ được sử dụng điện an toàn; 93,97% người dân tham gia BHYT.
Về kết quả huy động nguồn lực đầu tư XDNTM. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng số vốn đạt 2.439.057,6 triệu đồng. Trong đó, vốn trực tiếp chương trình XDNTM 51.644 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 2,12%; vốn lồng ghép 2.158.240 triệu đồng, chiếm 88,49%; vốn huy động DN 30.378 triệu đồng, chiếm 1,25%; vốn dân đóng góp 198.795,7 triệu đồng, chiếm 8,15%.
Về tiêu chí NTM, tổng số đạt 190 tiêu chí , tăng 119 tiêu chí so với năm 2010. Bình quân mỗi xã đạt 8,68 tiêu chí , so với năm 2010, tăng bình quân mỗi xã 5,4 tiêu chí. Trong đó có 8 xã gồm Điền Trung, Lương Trung, Lũng Niêm, Ban Công, Lương Nội, Điền Hạ, Ái Thượng, Hạ Trung tăng từ 6 - 8 tiêu chí. Riêng 2 xã Điền Lư, Tân Lập đạt cao nhất, 14 - 15 tiêu chí. Về nhóm tiêu chí, nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất có chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của huyện đạt 9 triệu đ/người/năm. Năm 2015 đạt 14 triệu đ/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo đó cũng giảm tới 20,04% trong 5 năm từ 2010 - 2015 với tỷ lệ 18,26% vào cuối năm 2015.
Phát huy thành quả đã đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2016, Bá Thước tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn XDNTM với tổng nguồn vốn huy động toàn huyện đạt 51.749,26 tỷ đồng. Một số xã điểm XDNTM của huyện tiếp tục có sự bứt phá về tiêu chí XDNTM. Đến 30/5, bình quân toàn huyện đạt 9,1 tiêu chí. Trong đó có 5 xã đạt từ 13 - 15 tiêu chí. Về XDNTM, bình quân mỗi thôn đạt 7,6 tiêu chí. Có 5 thôn đã đạt chuẩn NTM, 39 thôn đạt 10 - 13 tiêu chí.
Tiếp tục kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016, trên cơ sở những thành quả đã đạt được, Bá Thước đặt mục tiêu trong năm 2016, phấn đấu xã Điền Lư trở thành xã NTM đầu tiên của huyện, bình quân mỗi xã đạt thêm từ 1 tiêu chí trở lên. Tập trung chỉ đạo 21 thôn điểm đăng ký hoàn thành NTM năm 2016. Hướng tới mục tiêu xa hơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bá Thước đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm sớm đưa Bá Thước ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước.
Theo Báo Xây dựng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn