Chăn nuôi gia súc ở miền núi nói chung và ở vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên (Thường Xuân) nói riêng hiện nay đang phát triển. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi thả rông gia súc ở đây vẫn còn phổ biến đã xâm hại vào KBT làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng và nguy cơ giảm đi tính đa dạng sinh học của rừng. Mặt khác, tập tục thả rông gia súc không kiểm soát còn ảnh hưởng đến suy giảm tầm vóc đàn gia súc, phòng chống dịch bệnh, chống rét làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Từ thực tế trên, năm 2012, KBTTN Xuân Liên đã triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi gia súc có kiểm soát tại KBTTN Xuân Liên” ở thôn Hang Cáu (xã Vạn Xuân) và thôn Lửa (xã Yên Nhân). Để thực hiện thành công mô hình, KBT đã xây dựng 2 khu vực chăn thả gia súc tập trung ở 2 thôn, trong đó khu vực chăn thả gia súc ở thôn Hang Cáu có diện tích 43 ha, khu vực chăn thả ở thôn Lửa trên 60 ha. Khu vực chăn thả gia súc được xây dựng hàng rào thép gai, xây dựng hệ thống bảng tin (bảng cấm) quy định nội quy, hiệu quả của mô hình chăn thả gia súc có kiểm soát cũng như quyền lợi và trách nhiệm của người dân khi tham gia mô hình. Bên cạnh đó, KBT còn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, như: Cách làm chuồng, chọn giống, thức ăn, phương pháp vỗ béo, cách phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò; kỹ thuật trồng cỏ VA06 và cách chế biến và bảo quản thức ăn cho trâu, bò vào mùa đông cho 60 hộ gia đình là đồng bào dân tộc Thái.
Ông Lê Văn Quyền, thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân, cho biết: Trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ của KBT, gia đình tôi cùng nhiều hộ trong thôn chăn nuôi gia súc thả rông theo tập quán tự do dẫn đến hiện tượng giao phối cận huyết, làm suy giảm tầm vóc đàn trâu bò; bên cạnh đó công tác phòng chống dịch bệnh, chống rét chưa được quan tâm, nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Được KBT hỗ trợ mô hình chăn nuôi trâu bò có kiểm soát, gia đình ông và các hộ dân trong thôn được tập huấn kỹ thuật chọn giống, chăn nuôi trâu bò, kỹ thuật trồng cây cỏ voi VA06. Có kỹ thuật, có nguồn thức ăn cho trâu bò, gia đình ông đã đầu tư nuôi 8 con bê, bò cái sinh sản và thực hiện chăn thả có kiểm soát. Do chủ động được nguồn thức ăn, chăn nuôi theo mô hình có kiểm soát, nên đến nay đàn gia súc của gia đình ông phát triển nhanh, ít dịch bệnh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc KBTTN Xuân Liên, cho biết: Từ khi KBT triển khai mô hình “Chăn nuôi gia súc có kiểm soát”, các hộ dân đã học tập, thay đổi phương pháp chăn nuôi theo hướng tập trung, có kiểm soát. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình ở KBT góp phần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn huyện Thường Xuân theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, lai tạo gia súc, nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình chăn nuôi phù hợp với kinh nghiệm, sản xuất của người dân trong vùng đệm...
Hiện nay, KBTTN Xuân Liên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; đồng thời nhân rộng mô hình “Chăn nuôi gia súc có kiểm soát” đến tất cả các hộ dân trong vùng đệm KBT.
.
Bài và ảnh: Khắc Công/ Báo Thanh Hóa