Mô hình trồng chè sạch tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Tăng quy mô, nâng chất lượng
Cách đây gần 10 năm, chúng tôi có dịp về xã Ba Vì (huyện Ba Vì), một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn khi mới sáp nhập mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Với hơn 90% số dân là người dân tộc Dao, sinh sống bằng việc làm rẫy quanh chân núi Ba Vì với hình thức canh tác thủ công, năng suất thấp, thời kỳ này xã có 60% là hộ nghèo, chạy ăn từng bữa. Nhưng cho đến nay, đời sống của người dân xã Ba Vì đã tốt hơn rất nhiều. Những con đường đất ngày trước gặp trời mưa thì đành bỏ xe để đi bộ, nay đã được bê-tông hóa gần 15 km; hệ thống trường học, y tế, điện, nước hợp vệ sinh được đầu tư hiện đại, khang trang. Huyện, xã đã định hướng, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề thuốc nam truyền thống, giúp tăng thu nhập, giảm số hộ nghèo, đưa Ba Vì thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn. Đối với xã thuần nông Tản Hồng, thu nhập của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, cho nên việc đầu tư phát triển sản xuất cũng được Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa toàn bộ hơn 280 ha, thuận lợi cho việc cơ giới hóa vào sản xuất. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn khá thuận lợi, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho biết, để nâng cao đời sống cho nông dân, xã đã thành lập mới một HTX nông nghiệp đảm nhiệm các khâu về dịch vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng bốn trang trại, cơ sở trồng nấm. Cùng với đó, xã mở rộng vùng trồng lúa hàng hóa chất lượng cao 200 ha, duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 5 ha và mở nhiều xưởng may, hàn xì… tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 800 lao động.
Những cách làm tại xã Ba Vì hay Tản Hồng cũng chính là những giải pháp huyện Ba Vì thực hiện thời gian qua để phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, toàn huyện có 360 trang trại sản xuất tập trung (tăng 42 trang trại so với năm 2015), đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều sản phẩm hàng hoá nông nghiệp đã có thương hiệu vững chắc trên thị trường như: sữa, chè, gà đồi Ba Vì, khoai lang Đồng Thái, miến dong Minh Hồng… mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Tổng giá trị tăng thêm nhóm ngành dịch vụ, du lịch của huyện đến năm 2017 đạt 6.452 tỷ đồng tăng 122,7% so với năm 2015, đạt 74% mục tiêu giai đoạn 2015-2020. Trong đó, ngành du lịch tăng trưởng bình quân 10,2%/năm. Có được kết quả này là nhờ công tác quản lý và quảng bá về du lịch được tăng cường. Huyện đã đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc, mở thêm một số loại hình du lịch cộng đồng, làng nghề. Năm 2017, lượng khách du lịch đạt 2,67 triệu lượt, doanh thu đạt 276 tỷ đồng (tăng 26 tỷ đồng so với năm 2015).
Những kết quả đó đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế hai năm 2016, 2017 của huyện đạt 10,6%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Dịch vụ, du lịch chiếm 56%; nông, lâm nghiệp chiếm 25%; công nghiệp xây dựng chiếm 19%. Thu ngân sách năm 2017 đạt 278,7 tỷ đồng tăng 497,6% so năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm, tăng sáu triệu đồng so với năm 2015.
Tập trung “mũi nhọn” du lịch
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Ba Vì cũng còn những hạn chế trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế cần tập trung khắc phục thời gian tới. Đó là hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chưa được mở rộng; phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Đồng Giai, Cam Thượng và các điểm du lịch của huyện… Trong nửa cuối nhiệm kỳ giai đoạn 2015-2020, Ba Vì phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt từ 10,5 đến 11%; cơ cấu kinh tế đến năm 2020: dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng 55%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 24%; công nghiệp và xây dựng chiếm 21%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55 triệu đồng trở lên.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, huyện xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ - du lịch và nhóm ngành công nghiệp - xây dựng. Đối với ngành nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển mạnh chăn nuôi tập trung với quy mô lớn; xây dựng các vùng, tiểu vùng chuyên canh tập trung, đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tiếp tục phát huy giá trị thương hiệu các sản phẩm hàng hóa.
Đặc biệt, huyện sẽ cùng Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội hoàn thành Quy hoạch phát triển du lịch khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế các điểm du lịch trên địa bàn, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở rộng quy mô, đa dạng và hiện đại hóa các cơ sở kinh doanh du lịch. Tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Ba Vì, liên kết các tuyến, điểm du lịch trong huyện với các tuyến du lịch của TP Hà Nội và cả nước. “Phấn đấu năm 2020, tổng giá trị tăng thêm nhóm ngành dịch vụ - du lịch đạt 8.720 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,4%, trong đó tổng lượng khách du lịch đến thăm Ba Vì đạt từ 3,5 đến 4 triệu lượt khách, doanh thu từ 480 đến 500 tỷ đồng, tạo thêm nguồn lực quan trọng để huyện phát triển nhanh hơn”, ông Bạch Công Tiến cho biết.
Tác giả bài viết: Khải Hưng
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn