Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc khu vực miền núi, nhiều mô hình giảm nghèo đã có những tác động tích cực, đạt được kết quả quan trọng, góp phần từng bước thay đổi diện mạo các huyện miền núi trong tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trong công tác giảm nghèo ở miền núi của tỉnh, nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm hay, mô hình thiết thực, hiệu quả. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai Đề án “Nhân rộng và nâng cao chất lượng câu lạc bộ (CLB) phụ nữ giảm nghèo”. Đến nay, đã thành lập được gần 300 CLB phụ nữ giảm nghèo ở các xã miền núi, bãi ngang, thu hút trên 10.000 phụ nữ nghèo, đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm chủ hộ tham gia sinh hoạt. Trong quá trình triển khai, đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ngọc Lặc đã đứng ra nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 1.000 thành viên ở CLB xã, thị trấn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế và làm nhà ở. Cùng với đó, hội cũng phối hợp với trạm khuyến nông, trung tâm học tập cộng đồng mở trên 100 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ cách làm trên, đã giúp cho 400 gia đình phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo bền vững; 300 hộ làm được nhà mới từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ.
Ở huyện Quan Sơn, cùng với việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thì phát triển cây nứa, cây vầu là trọng tâm, vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương. Theo đồng chí Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo:
Vầu là cây rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Quan Sơn, dễ trồng, dễ chăm sóc lại có giá trị kinh tế cao, khoảng 70 triệu đồng ha/năm, cao gấp 8 lần so với cây luồng, mỗi nhân công lao động ở địa phương có thu nhập từ cây vầu khoảng 400 đến 600.000 đồng/ngày.
Được biết, để phát huy lợi thế, huyện Quan Sơn đã xây dựng 2 mô hình trồng vầu tại xã Tam Lư, với diện tích 70 ha bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a. Huyện cũng khuyến khích các hộ dân nhân rộng mô hình trồng vầu và phấn đấu mỗi năm trồng 300 ha vầu, để đến năm 2020 tổng diện tích rừng vầu toàn huyện lên khoảng 4.500 ha, ước đạt nguồn thu khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Cũng là mô hình giảm nghèo, nhưng Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Thạch Thành lại có cách làm hay như thực hiện mô hình tiết kiệm “3+1” (nghĩa là ba ngày tiết kiệm 1.000 đồng, mỗi tháng tiết kiệm 10.000 đồng). Với cách làm trên, trong 5 năm qua (2011-2015), với 8.000 hội viên đã tiết kiệm được hơn 5 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, hội đã cho hội viên vay phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh ta còn rất nhiều mô hình giảm nghèo nhanh, bền vững đang phát huy hiệu quả tích cực. Từ mô hình giảm nghèo, đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhờ vậy cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 15,5%, bình quân mỗi năm giảm 6,16%/năm.
Theo Báo Thanh Hóa