Người dân huyện Cần Giờ hôm nay không chỉ biết đến mỗi nghề làm muối. Không ít hộ của vùng đất còn nhiều khó khăn này đã vượt qua đói nghèo nhờ con tôm, con cá hay nhiều giống cây ăn trái đang bắt đầu được người dân trồng thử nghiệm. Xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ là một trong bốn xã phía bắc của huyện tập trung nhiều các hộ dân nuôi tôm. Những năm gần đây, con tôm đã giúp cho nhiều hộ dân trong xã thoát khỏi cái nghèo, trở nên khá giả. Anh Trần Minh Hòa, ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn cho biết, diện tích nuôi tôm của anh hiện nay là 20 ha, gồm 12 ao nuôi và bốn ao lắng.
Trong đó, anh Hòa đang nuôi tôm thẻ chân trắng trên tám ao với diện tích mặt nước là 4,8 ha. “Nhờ Hội Nông dân huyện hướng dẫn kỹ thuật, tôi đang tiến hành nuôi tôm công nghiệp, các ao nuôi đều trang bị máy cho ăn và kết hợp với nuôi cá rô phi”- anh Hòa chia sẻ. Với lượng con giống thả gần hai triệu con, hằng năm anh thu hoạch từ 8 đến 10 tấn/ha và đã mang về số tiền lời hơn hai tỷ đồng. Để cho bà con nông dân có điểm tựa giảm nghèo, Hội Nông dân huyện Cần Giờ đã tích cực phát triển nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững” được phát triển mạnh về chất và bảo đảm yếu tố bền vững. Trọng tâm của phong trào làm cho nông dân hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện, tích cực tham gia đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng hành cùng nông dân vượt nghèo, trong thời gian qua, bên cạnh các mô hình “Lấy nông dân dạy nghề cho nông dân”, “Nông dân khá giúp đỡ nông dân nghèo”, chương trình “Tết làm điều hay” vì nông dân nghèo, Hội Nông dân thành phố đã triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Phát huy vai trò của tổ chức hội trong việc lấy sức dân chăm lo cho dân”.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 đã tạo bước đột phá chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh sản xuất, tương thân tương ái, tích cực tham gia thực hiện an sinh xã hội. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã tuyên truyền vận động 4.368 hộ hội viên, nông dân, các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết hỗ trợ cho 3.028 hộ hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn cây con giống, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Ngoài ra, các cấp hội còn vận động hội viên, nông dân đóng góp 33 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân thành phố đã vận động thành lập 22 hợp tác xã, 129 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, trực tiếp tư vấn xây dựng 250 mô hình liên kết sản xuất tạo ra những kết quả tích cực.
Thực hiện công tác an sinh xã hội, từ năm 2013 đến 2018, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đã duy trì đều đặn hằng năm chương trình “Tết làm điều hay”. Từ chương trình này, Hội Nông dân thành phố đã vận động được hơn 61 tỷ đồng, chăm lo quà Tết, trao tặng bồn nước, nhà tình thương, sửa chữa nhà tình thương, nhà tình nghĩa, trao học bổng Lương Định Của, thẻ bảo hiểm y tế, phương tiện, công cụ sản xuất, sổ tiết kiệm cho nông dân khó khăn…
Các cấp hội còn chủ động và phối hợp dạy nghề cho 45.964 hội viên, nông dân, trong đó có 38.260 nông dân sau dạy nghề có việc làm; tập huấn khoa học kỹ thuật cho 102.210 lượt hội viên, nông dân; tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho 19.600 lượt hộ vay 184,8 tỷ đồng. Các cấp hội còn tổ chức 337 chuyến đi đưa hơn 9.000 cán bộ, nông dân tham quan học tập mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố đã hướng dẫn, giới thiệu, tạo điều kiện cho nông dân, hợp tác xã tiếp cận, ứng dụng các mô hình nhà kính, nhà lưới, vật tư, thiết bị sản phẩm công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Hội đã giúp hơn 7.000 hộ hội viên nông dân thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Nhắc đến ông Huỳnh Văn Lòng, ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, người dân nơi đây nhớ đến ông chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi luôn hỗ trợ nhiệt tình cho các hội viên, hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo, ông Lòng còn vận động các thành viên trong câu lạc bộ giúp đỡ cho nông dân với nhiều hình thức khác nhau như mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ con giống cây trồng,vật nuôi,...
Anh Nguyễn Thanh Dũng, Ủy viên Thường vụ, Hội Nông dân huyện Hóc Môn, cho biết, từ các phong trào của hội, người nông dân khó khăn đã được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Những nông dân có đời sống kinh tế khá sẽ giúp đỡ những hội viên còn khó khăn để họ có nghề ổn định, trang trải đời sống gia đình. “Những buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, đi tham quan mô hình phát triển nông nghiệp hay giúp đỡ các hộ nông dân con giống, cây trồng vật nuôi luôn được các cấp hội của huyện quan tâm và thực hiện thường xuyên. Hoạt động của hội ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn” - anh Nguyễn Thanh Dũng chia sẻ.
Những kết quả nêu trên là minh chứng thiết thực, cho thấy phương châm “Lấy sức dân chăm lo cho dân” đã tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của cả hệ thống Hội Nông dân, là tiền đề vững chắc bảo đảm ổn định xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần cùng các ban, ngành, đoàn thể phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội thành phố ngày thêm hiệu quả và bền vững.