Nhân Ngày BHYT 1/7, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, từ trước đến nay, nhóm bệnh nhân khám vượt tuyến, trái tuyến luôn chiếm tỷ lệ cao, chi trả y tế từ tiền túi đang là gánh nặng của đa số người dân. Luật BHYT (sửa đổi) có tính đến việc này không, thưa ông?
- Quỹ BHXH sẽ bổ sung quy định thanh toán trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến mà có dùng chuyên môn kỹ thuật cao. Cụ thể: 20% chi phí khám chữa bệnh (KCB) tại bệnh viện (BV) tuyến T.Ư, 50% tại BV tuyến tỉnh và 70% tại BV tuyến huyện. Bên cạnh đó, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã được quyền KCB BHYT tại BV đa khoa huyện trên cùng một địa bàn huyện hoặc BV đa khoa khu vực nơi không có BV đa khoa huyện.
Ngư dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều khi tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: Phương Nam |
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ vận động nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ mua BHYT cho nhóm đối tượng cận nghèo. Nếu chưa kịp có những "mạnh thường quân" này thì sao, thưa ông?- Từ trước đến nay, hộ cận nghèo phải đóng 30% nhưng phần lớn họ không tham gia nên các tỉnh phải "giúp" là chính. Còn riêng các tỉnh khó khăn, đặc biệt khó khăn, lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các doanh nghiệp cùng vào cuộc để hỗ trợ mua BHYT cho nhóm đối tượng cận nghèo. Riêng nhóm ngư dân sinh sống ở biển đảo, từ ngày 1/1/2015, ngân sách địa phương sẽ cấp 100% chi phí tham gia BHYT.
Là thành viên tham gia vào việc ghi nhận góp ý cho Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) lần này, ý kiến ông thế nào?
- Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp là ngư dân khi tham gia BHYT. Những người sinh sống ở biển đảo mà chưa thuộc nhóm đối tượng nào sẽ được cấp kinh phí để mua BHYT. Trước đó, ngân sách Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu biển, đóng tàu mới công suất lớn, ưu tiên tàu sắt đánh bắt xa bờ theo hướng cho vay ưu đãi vốn đóng tàu thời hạn khoảng 11 năm, trong đó có 1 năm ân hạn, lãi suất ban đầu của ngân hàng cho vay là khoảng 5%, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2%, ngư dân tối đa là 3% (hoặc địa phương 1%, ngư dân 2%).
Như vậy, từ ngày 1/1/2015, nhóm đối tượng nào khi tham gia BHYT sẽ được Nhà nước lo cho 100%?
- Từ ngày 1/1/2015, thời điểm có hiệu lực của Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) thì hàng loạt nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ được nâng mức hưởng BHYT. Nhóm thứ nhất, thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con của liệt sĩ sẽ được hưởng 100% chi phí KCB thay vì 80% như trước; các thân nhân khác của người có công với cách mạng cũng được hưởng 95% chi phí KCB. Nhóm tiếp theo là người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ sẽ được nâng mức hưởng BHYT từ 95% lên 100%. Nhóm thứ 3 là người thuộc hộ cận nghèo nâng từ 80% lên 95%. Quỹ BHYT cũng sẽ thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục).
Xin cảm ơn ông!
Theo ktdt.vn