Thu nhập được cải thiện
Nói về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Qua kiểm tra thực tế tại các điểm dạy nghề nông nghiệp, rất nhiều người học nghề hài lòng với công tác dạy nghề do các địa phương phối hợp tổ chức. Nhiều mô hình đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp đã triển khai thành công như trồng tiêu sạch, chăn nuôi gà... được áp dụng và nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ những chương trình này.
Gia đình anh Bùi Văn Hải, ở tổ 10, khu phố 5, phường Long Tâm (TP. Bà Rịa) là một trong những hộ nông dân tiêu biểu vươn lên làm giàu. Năm 1999, gia đình anh Hải từ Hải Phòng vào lập nghiệp tại phường Long Tâm. Thời gian đầu, gia đình anh làm nhiều nghề nhưng cũng chỉ đủ ăn. Sau khi được hỗ trợ của một thành viên trong Hội Nông dân phường và nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Hải mạnh dạn đầu tư phát triển thêm nghề sản xuất than tổ ong và việc làm này đã giúp anh Hải lãi ròng gần 100 triệu đồng/năm. “Điều làm cho tôi phấn khởi nhất là ngoài tăng thu nhập cho gia đình, nghề này còn giải quyết được việc làm cho 5 lao động và có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khác phát triển kinh tế” - anh Bùi Văn Hải cho biết.
Chị Hồ Thị Bình, tổ 4, khu phố 3, phường Long Tâm cũng là nông dân tiêu biểu trong việc vươn lên thoát nghèo. Từ 4 triệu đồng vay Quỹ hỗ trợ nông dân và kiến thức ở lớp tập huấn do Hội Nông dân phường phối hợp tổ chức, chị Bình đã thành công với mô hình trồng nấm rơm. Chị Bình cho biết, nghề trồng nấm rơm là nghề phụ của gia đình nhưng cho hiệu quả cao. Thời gian thu hoạch nấm rơm từ 15-20 ngày, giá bán nấm tại chợ dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm chị thu lãi ròng khoảng 20-30 triệu đồng.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Có khoảng 1.000m2 đất, gia đình bà Vũ Thị Nhài, ở ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng (huyện Long Điền) chọn nuôi ếch, vì loài này tương đối dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp và có thể tận dụng diện tích đất. Bà Vũ Thị Nhài cho biết: “Ấp Hải Lâm vốn là vùng đất khô cằn, trước đây chủ yếu trồng khoai mỳ, xoài, mãng cầu nhưng cây thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2006, gia đình tôi đã chuyển sang mô hình nuôi ếch. Được UBND xã Phước Hưng tạo điều kiện để vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã đầu tư vào mua giống, nuôi ếch thương phẩm”. Đến nay, gia đình bà Nhài nuôi được hơn 100 ngàn con ếch thịt, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 5,5 tấn, sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ nuôi ếch thương phẩm, nhiều hộ nông dân ở xã Phước Hưng còn thành công với các mô hình chuyển từ trồng lúa, cây ăn quả sang nuôi heo rừng, thỏ hay trồng rau an toàn. Theo Hội Nông dân xã Phước Hưng, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện, xã đã định hướng cho nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, cho thu nhập cao. Trong đó, việc chuyển đổi mô hình trồng lúa một vụ năng suất thấp sang trồng chuyên canh rau màu, tiếp tục xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với việc chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương… đã khắc phục được tình trạng manh mún trong sản xuất, từng bước thích nghi với điều kiện kinh tế hàng hóa.
Theo Hội Nông dân tỉnh, các lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng cây tiêu, chăn nuôi, trồng hoa lan, kết hạt cườm… đã và đang thu hút hàng ngàn học viên tham gia. Nhiều mô hình sản xuất điểm, mô hình trình diễn như lúa chất lượng cao, chăn nuôi heo sinh sản hướng nạc, thực hiện đề án khuyến nông hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người chăn nuôi dê, trồng rau an toàn... đạt kết quả cao và được nhân rộng trên nhiều địa phương. Qua khảo sát cho thấy, nhờ được hỗ trợ đào tạo nghề, đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi khác có thu nhập ổn định.
Theo baobariavungtau.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn