Nếu nông dân có quyền đầy đủ với diện tích đất nông nghiệp của mình, họ sẽ có cơ hội làm giàu ngay tại quê hương. Nếu 19% diện tích canh tác lúa được chuyển sang các cây trồng khác, nền kinh tế Việt Nam có thể thu được lợi ích là 6 tỷ USD trong 20 năm, theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM).
Trong nhiều lần trao đổi về các vấn đề như tái cơ cấu, phát triển kinh tế thị trường, động lực của tăng trưởng… ông Cung luôn nhấn mạnh “những nguồn lực cần khai thác và sử dụng hiệu quả”, trong đó có nguồn lực từ đất đai, xác định đó là tài sản, và người nông dân phải có quyền định đoạt với mảnh đất, thửa ruộng của mình.
Ảnh minh họa |
TS. Nguyễn Bá Long – Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn phát biểu: chúng ta khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn, tham gia vào chuỗi. Muốn vậy, phải có diện tích đất đủ lớn. Nhưng hiện tại, các chính sách về đất đai, quyền sử dụng đất nông nghiệp và các quy định đang là rào cản vô cùng lớn với đầu tư. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu thay đổi. Nhiều DN muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không mua được đất, ngược lại nhiều nông dân không muốn làm nông nghiệp lại đang để ruộng bỏ không.
Hiện tượng rút lui khỏi nông nghiệp đang xuất hiện. Số lượng hộ làm nông nghiệp, nuôi thủy sản và lâm nghiệp cũng giảm đi. Sau 5 năm cả nước giảm khoảng 1 triệu hộ. Ước chừng có khoảng 452.000 ha đất nông lâm trường đã trả lại cho các địa phương. Hiện tượng bỏ ruộng nhiều lên, tính đến tháng 8/2011, có gần 43.000 hộ nông dân bỏ ruộng, có hộ bỏ hoang ruộng đất trong suốt 4-5 năm, đất bỏ hoang lại là đất được giao lâu năm. Số hộ trả lại ruộng đất cho chính quyền địa phương cũng nhiều, nhưng phần đất trả lại là loại được thuê khoán.
Nhưng ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, quá trình tích tụ ruộng đất đã tăng lên, xuất hiện nhiều đại điền và trang trại mới. Số DN hoạt động trong ngành nông nghiệp cũng tăng nhanh.
Tính đến năm 2016, đã có 3.846 DN nông nghiệp, tăng tới 49% so với năm 2011, trong đó số DN lớn có quy mô từ 10 tỷ đồng trở lên tăng tới 76,2%. Tuy nhiên, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% trong tổng số DN. Đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành.
Thời hạn sử dụng đất ngắn cũng là một bất cập. 94,7% số người được hỏi cho biết thời gian sử dụng đất ngắn, chỉ 50 năm nên họ không muốn mua, thuê đất 5% của hợp tác xã chỉ có 5 năm nên không muốn thuê. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp quá chi tiết, chia nhiều nhóm nhỏ khiến hạn chế việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của người dân. Mỗi khi chuyển đổi phải xin phép rất phiền toái, đã vậy, có những địa phương lại hạn chế loại cây trồng trên đất. Điều này làm cho người có đất khó phát huy tối đa tính năng, vai trò của từng loại đất, hạn chế sự linh hoạt chuyển đổi cơ cấu, mục đích nuôi trồng theo tín hiệu thị trường, và khiến cho cung cầu bị chia cắt theo vùng. Theo CIEM, trung bình có tới 30,7% số mảnh đất nông nghiệp bị giới hạn về loại cây trồng.
Thêm vào đó, Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng đang gây ra những khó khăn trong việc thực hiện quyền chuyển nhượng, thuê và các quyền khác, vì hiện có tới 23,6% trong tổng số 8.260 mảnh đất chưa có sổ đỏ.
Đưa ra một số giải pháp giải quyết những vướng mắc trên, CIEM đề nghị tiếp tục thực hiện thu thuế nông nghiệp sau năm 2020; Cần đánh giá, xây dựng lộ trình từng bước chuyển từ giao đất không thu tiền sang cho thuê đất, đồng thời xây dựng chính sách an sinh cho những đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Mặt khác, không nên quy định thời hạn từng bước chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng ổn định lâu dài, đồng nhất với các loại hình đất khác. Song song với đó, cần nới rộng hạn mức nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Coi thúc đẩy phát triển thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là một giải pháp, ông Trần Kim Chung – Phó viện trưởng CIEM nói rằng: “Đất đai phải trở thành vốn. Muốn vậy phải phát triển thị trường đất nông nghiệp”.
Nhấn mạnh áp lực cạnh tranh đang ngày một tăng lên, cuộc CMCN 4.0 đang cận kề, TS.Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng CIEM nhận định: Không có cánh đồng mẫu lớn, trang trại lớn thì không có được nông sản chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và tham gia được vào chuỗi. Phải sản xuất lớn thì mới hy vọng có nền nông nghiệp hiện đại. Nhưng muốn vậy phải có diện tích lớn.
“Vấn đề là cần phải thực hiện nhanh, vì càng để lâu, sẽ không chỉ gây ra lãng phí nguồn lực, mà còn làm nảy sinh thêm nhiều méo mó, khuyết tật của nền kinh tế”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khuyến nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, mục tiêu tổng quát là phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp; đảm bảo yêu cầu sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển ngành nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người nông dân.
Linh Đan/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn