Không chỉ hoàn thành nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, phụ nữ ngày nay còn vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp, chủ mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Ảnh: Sỹ Ngọ
Đó là những con số đáng tự hào, khẳng định vai trò, năng lực cũng như vị thế của nữ giới trong công cuộc xây dựng và phát triển chung của tỉnh nhà. Phụ nữ thể hiện vai trò của mình trong công việc, khẳng định vị thế trong xã hội chính là yếu tố quan trọng góp phần xóa bỏ rào cản về bình đẳng giới.
Chị Trần Thị Nhung (thôn Bắc Sơn, xã Xuân Viên, Nghi Xuân) từ chỗ quẩn quanh với mấy sào lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống khó khăn, đã mạnh dạn cùng chồng chuyển hướng làm ăn. Với tiềm năng đất đai dồi dào, sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều nơi, năm 2012, vợ chồng chị mạnh dạn nhận đất, xây dựng khu trang trại chăn nuôi tổng hợp với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu đồng, quy mô 40 con lợn/lứa và một số gia cầm. Sau 4 năm triển khai, đến nay, mô hình đã có 100 con lợn, 7 con bò nái và hàng trăm con gia cầm cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Chị Nhung bộc bạch: Ngày trước cứ quẩn quanh ruộng nương, tôi không có cơ hội hiểu biết và tham gia nhiều hoạt động. Nay khi tìm hiểu xây dựng mô hình, tôi được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật; cách làm hay, sáng tạo; được tiếp xúc với nhiều chủ mô hình là nữ giỏi giang. Bản thân cũng tự tin hơn nhiều trong tham gia hoạt động xã hội và trong gia đình.
Táo bạo không kém chị Nhung, chị Nguyễn Thị Lê (thôn 8, xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) giờ đã là chủ mô hình trang trại vườn - ao - chuồng với tổng diện tích 7 ha, trong đó, trồng keo, tràm, thả cá, chăn nuôi 150 con lợn, 7 con hươu… Ngoài ra, chị còn là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã năng nổ, nhiệt tình, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Bình đẳng về việc làm là môi trường để phụ nữ tự khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Không chỉ mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế tại địa phương, ở các DN cũng ngày càng xuất hiện nhiều nữ thủ lĩnh tài ba. Nhiều chị đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo sản phẩm mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đem lại lợi nhuận cao cho DN, đồng thời, tạo việc làm cho nhiều chị em khác. Tiêu biểu như các chị: Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Agribank Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Hà - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, Phan Thị Hồng Cẩm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lộc, Nguyễn Ánh Ngà - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Đức...
Cùng với làm kinh tế, các chị em tham gia vào tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền ngày càng nhiều và ở vị trí nào, họ cũng đều nỗ lực hoàn thiện bản thân để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nhiệm kỳ đầu tham gia BCH Hội Phụ nữ xã, chị Dương Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Đồng (Hương Khê) chia sẻ: “Được chị em tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch hội, tôi cảm thấy trọng trách nhiều hơn nhưng đó cũng chính là động lực để tôi phấn đấu. Tham gia công tác hội giúp tôi tiếp cận nhiều thông tin và tự tin hơn trong mọi hoạt động. Hiện nay, tôi đang đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình”.
Chị Nguyễn Thị Nhung (xã Xuân Viên, Nghi Xuân) đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn.
Có thể nói, bình đẳng về việc làm là con đường để phụ nữ tự khẳng định vai trò, vị thế của mình. Đây cũng là yếu tố quyết định trong hiện thực hóa bình đẳng giới. Với sự tự tin, bản lĩnh của người phụ nữ, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tin rằng, việc đảm bảo bình đẳng giới trong lao động - việc làm sẽ tiếp tục được duy trì và thực hiện tốt hơn. Như trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Theo Thu Hà/ Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn