00:14 EST Thứ sáu, 27/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Kỳ cuối: Kiếm tiền tỉ từ nông nghiệp không khó

Thứ năm - 13/03/2014 21:21
Nếu đầu tư một cách bài bản, áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa toàn bộ và có những chính sách phát triển phù hợp, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực đem lại siêu lợi nhuận, hiệu quả vượt xa những lĩnh vực sản xuất khác.

Thu hoạch mía bằng máy cắt, làm sạch và cắt nhỏ ngay tại ruộng trước khi đưa vào nhà máy ép (ảnh chụp ở trang trại mía của HAGL tại Attapeu, Lào) - Ảnh: Tr.Mạnh
 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), doanh nghiệp hiện đang đầu tư hơn 14.000 tỉ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp tại Lào và Campuchia - khẳng định như vậy. Ông Đức nói:

- Tại VN, Tập đoàn Cao su VN được xem là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả nhất, có nguồn tiền mặt lớn nhất, lợi nhuận trên vốn đầu tư thậm chí còn cao hơn cả ngành dầu khí. Nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, hầu hết các tập đoàn lớn, các tỉ phú đều xuất thân từ lĩnh vực nông nghiệp. Và sau năm năm tập trung đầu tư vào nông nghiệp, tôi khẳng định rằng hiệu quả đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực này cực cao, tỉ lệ lợi nhuận rất lớn.

* Tập đoàn Cao su VN làm giàu từ các cây công nghiệp dài ngày, nhưng liệu các loại cây nông nghiệp ngắn ngày có đem lại hiệu quả cao như ông khẳng định?

- Chưa nói đến các cây công nghiệp dài ngày như cao su hay cọ dầu, hai loại cây ngắn ngày mà chúng tôi đang đầu tư là mía và bắp bước đầu cũng cho thấy hiệu quả vuột trội. Chẳng hạn với cây mía, hiện năng suất mía của chúng tôi lên tới 120-140 tấn/ha, cao gấp đôi so với năng suất ruộng mía bình quân tại VN. Cùng với việc tiết giảm nhiều chi phí khác nhờ áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa, năng suất cao giúp giá thành đường sản xuất của HAGL chỉ 4.800-4.900 đồng/kg, chưa đến một nửa so với giá thành tại VN hiện khoảng 11.000-12.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ cần bán với giá bằng với giá thành tại VN chứ chưa nói đến giá thị trường, HAGL đã đạt lợi nhuận hơn 100%, vượt xa các lĩnh vực sản xuất khác.

 

"Mỗi năm VN nhập hàng triệu tấn bắp, nhu cầu sản phẩm này ngày càng tăng nhưng chúng ta vẫn chưa quy hoạch, đầu tư để chuyển đổi sang cây trồng này. Trong khi đó, chúng ta vẫn quá tập trung cho cây lúa, dù xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, ngoại tệ xuất khẩu gạo không đủ bù cho việc nhập khẩu bắp, đậu nành... phục vụ ngành chăn nuôi"

Ông Đoàn Nguyên Đức

Với cây bắp, hiện nay chúng tôi đang trồng thử nghiệm 5.000ha tại Campuchia, dự kiến trong tháng 3 bắt đầu thu hoạch. Và theo tính toán của các kỹ sư phụ trách, năng suất của diện tích bắp này đạt ít nhất 14 tấn/ha, gấp hai lần so với năng suất tại VN. Cũng xin tiết lộ thêm là cho đến nay, dù chưa thu hoạch nhưng toàn bộ số bắp này đã được các doanh nghiệp VN đăng ký mua hết. Dự kiến trong thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng bắp do đây là cây ngắn ngày, hiệu quả cao.

* Từ một doanh nghiệp chuyên lĩnh vực bất động sản, bí quyết nào giúp HAGL thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, thưa ông?

- Làm nông nghiệp muốn đạt năng suất cao bắt buộc phải áp dụng công nghệ cao, cơ giới toàn bộ. Năng suất cao, chi phí giảm, giá thành mới thấp được. Chúng tôi ứng dụng công nghệ cao ngay cả trước khi xuống giống cho đến khi thu hoạch sản phẩm. Chẳng hạn, trước khi xuống giống bất kỳ loại cây nào, chúng tôi đều đem mẫu đất và nước tại khu vực đó đi phân tích. Sau đó, các số liệu sẽ được đưa vào phần mềm dinh dưỡng, nó sẽ tự động đưa ra các thông số phù hợp cho từng loại cây, mỗi loại cây cần bổ sung bao nhiêu đạm, lân, kali...

Và với hệ thống tưới nhỏ giọt được đầu tư bài bản, những chất dinh dưỡng này sẽ được bổ sung cho từng gốc cây, không thừa không thiếu. Ngoài chuyện đảm bảo đủ nguồn nước và dinh dưỡng cho cây, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt còn giúp chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí phân bón, chưa kể ngay cả mùa nắng vẫn xuống giống được mà không sợ cây thiếu nước hay dinh dưỡng. Chưa hết, với việc cơ giới hóa toàn bộ, chi phí giá thành cũng giảm xuống mức thấp nhất. Chẳng hạn, chi phí chặt mía của chúng tôi chỉ 30.000 đồng/tấn so với 200.000 đồng/tấn tại VN như hiện nay.

* Nhưng việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi chi phí khá lớn?

- Hoàn toàn chính xác. Trong hơn 14.000 tỉ đồng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay của HAGL, riêng số tiền đầu tư cho thiết bị công nghệ chiếm đến 6.000-7.000 tỉ đồng. Ngay từ khi bắt tay vào làm nông nghiệp, chúng tôi đã đi nhiều nước trên thế giới để khảo sát và nhận thấy dù là một quốc gia có đất đai cằn cỗi nhưng nông nghiệp của Israel phát triển rất mạnh, năng suất các loại cây trồng vào loại cao nhất thế giới. Do đó, chúng tôi đã nhập công nghệ của Israel, đồng thời mời các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp của họ sang để vận hành, chuyển giao.

Ngoài ra, trong mỗi lĩnh vực cây trồng, chúng tôi đều mời các chuyên gia tại các quốc gia mà cây trồng đấy phát triển mạnh như Thái Lan (mía, bắp), Malaysia (cọ dầu)... Đặc biệt, chúng tôi có một đội ngũ kỹ sư nông nghiệp VN khá hùng hậu, lên đến hàng ngàn người. Mỗi lĩnh vực đều có các kỹ sư VN tham gia, chẳng hạn riêng lĩnh vực phân tích đất có 7-8 kỹ sư người Việt. HAGL cũng đang bắt tay vào xây dựng Viện Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho các kỹ sư VN học hỏi, ứng dụng các công nghệ cao từ các nước.

* Vì sao ông lại chọn đầu tư vào nông nghiệp ở nước ngoài mà không chọn VN?

- Một trong những yếu tố đầu tiên để phát triển nông nghiệp quy mô lớn là phải có một quỹ đất rất lớn. Đây là lý do mà chúng tôi chọn đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia vì đáp ứng được yêu cầu về quỹ đất. Trong khi đó, dù có muốn đầu tư tại VN chúng tôi cũng chẳng biết đào đâu ra vài ngàn hecta chứ chưa nói đến hàng chục ngàn hecta.

Thật ra, VN cũng có quỹ đất lên tới hàng triệu hecta, hoàn toàn có thể phát triển nông nghiệp theo quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, quỹ đất này hiện đang nằm trong tay các nông lâm trường trên cả nước do Nhà nước quản lý. Thời gian qua, phần lớn quỹ đất này đã bị bỏ hoang, không phát huy hiệu quả, chưa đóng góp gì nhiều cho ngân sách hay giải quyết việc làm cho người dân. Đây là một sự lãng phí cực lớn. Nếu Chính phủ có chính sách chuyển đổi một số nông lâm trường, cho thuê đất dài hạn để đầu tư nông nghiệp, không chỉ HAGL mà nhiều doanh nghiệp khác cũng nhảy vào. Hiệu quả mà quỹ đất này đem lại chắc chắn sẽ cao hơn, bởi doanh nghiệp hoạt động thì phải đóng các loại thuế, giải quyết công ăn việc làm và đặc biệt là góp phần thúc đẩy nông nghiệp VN phát triển mạnh hơn.

HẢI ĐĂNG thực hiện

 

* Ông Đặng Văn Thành (chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công):

Khó khăn lớn nhất là thiếu quỹ đất lớn

Từ ba năm trước Tập đoàn Thành Thành Công đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư cho nông dân tỉnh Svey Rieng, Campuchia phát triển hơn 5.000ha mía nguyên liệu. Với việc đầu tư bài bản từ cây giống cho đến quá trình chăm sóc, thu hoạch cũng như cơ giới hóa toàn bộ, vùng mía nguyên liệu này đạt năng suất khá với chi phí giá thành giảm mạnh. Riêng tại VN, khó khăn nhất vẫn là không có quỹ đất quy mô lớn, rất khó để đầu tư cơ giới hóa mạnh. Dù vậy, thời gian qua chúng tôi cũng đã tổ chức phát triển vùng mía nguyên liệu trong dân trên cơ sở những hộ nông dân có năng suất mía xấp xỉ 80 tấn/ha thì được giữ lại và tăng đầu tư.

Ngoài ra, chúng tôi đang bắt tay vào dự án phát triển một vùng nguyên liệu mía quy mô nhiều ngàn hecta tại Tây nguyên để giải quyết căn cơ và chủ động hơn bài toán về nguyên liệu. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ phát triển vùng nguyên liệu vệ tinh bằng cách hỗ trợ nông dân phát triển vùng mía quy mô lớn, đủ điều kiện để cơ giới hóa sản xuất, giảm giá thành và nâng cao hiệu quả. Tóm lại, ngành mía đường VN không thể sống được nếu chỉ trông chờ vào nông dân hay thương lái mà không nhanh chóng tái cấu trúc từ khâu cây giống, trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch...

* Ông Huỳnh Văn Thòn (tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang - AGPPS):

Gạo sẽ không chỉ để ăn...

Kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành nông nghiệp tại VN và tham quan các quốc gia khác cho thấy để nông dân giảm nghèo, giàu có thì phải áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Những quốc gia nhỏ bé như Singapore, Israel họ giàu có vì đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tuy nhiên, muốn thu hút các nguồn lực yên tâm đầu tư vào công nghệ cao, Nhà nước phải có chính sách cho phù hợp. Và các chính sách phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường.

Tại AGPPS, chúng tôi đầu tư vào Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp để ứng dụng các công trình khoa học mà các nhà khoa học đã nghiên cứu ra nhưng chưa được tận dụng tốt.

Từ trước đến nay, AGPPS chỉ tập trung vào phân khúc giữa trong chuỗi giá trị lúa gạo từ khâu sản xuất ra giống lúa, tổ chức sản xuất, thu mua chế biến và xuất khẩu. Trong khi đó còn hai khâu để trống đó là phụ phẩm từ lúa gạo (rơm rạ, cám, trấu) và những chế phẩm từ gạo thì chưa làm được.

Chính vì vậy với nguồn vốn vay ưu đãi 1.500 tỉ đồng từ Ngân hàng Standard Chatered, chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo để gia tăng giá trị. Ở khâu phụ phẩm, AGPPS sẽ đầu tư cơ giới hóa để thu lại rơm rạ làm phân bón, thức ăn gia súc, nhiên liệu. Trấu được dùng để sản xuất than sạch có giá cao gấp vài chục lần so với củi trấu hiện tại. Cám gạo trích ly lấy dầu trước khi làm thức ăn gia súc.

Đột phá nhất là chế biến các sản phẩm sau gạo. Hiện AGPPS đã có gạo mầm và một vài sản phẩm liên quan nhưng thời gian tới sẽ đầu tư công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa. Hạt gạo không chỉ làm ra hạt cơm hay bún miến thông thường, nó còn làm ra nước tăng lực, dược phẩm, mỹ phẩm... với giá trị cao hơn nhiều. Cái này thế giới đã nghiên cứu cả rồi, mình chỉ chọn sản phẩm cho phù hợp thôi.

H.Đ. - T.MẠNH ghi

 

 

 

Chuyển giao công nghệ cao cho nông dân

 

Ông Từ Minh Thiện - Ảnh: Ng.Trí
Bên cạnh mở rộng thêm 200ha tại Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở Củ Chi, sắp tới TP.HCM sẽ mở thêm hai khu nữa chuyên về chăn nuôi (Bình Chánh) và thủy sản (Cần Giờ).

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Từ Minh Thiện, phó trưởng ban quản lý Khu NNCNC TP.HCM, cho biết:

- Khu NNCNC Củ Chi thành lập từ năm 2004 với diện tích 88,17ha nhưng đến tháng 4-2010 mới chính thức đi vào hoạt động. Hiện khu NNCNC có ba đơn vị trực thuộc là Trung tâm nghiên cứu và phát triển NNCNC, Trung tâm ươm tạo NNCNC, Trung tâm khai thác hạ tầng và 14 nhà đầu tư thuê 100% diện tích.

Khu NNCNC là khu vực tập trung cho lĩnh vực trồng trọt theo hướng nông nghiệp đô thị với tổng số doanh thu năm 2013 khoảng 980 tỉ đồng với những sản phẩm chính là hạt giống rau, dưa lưới, hoa lan, các chế phẩm sinh học... Để lan tỏa công nghệ, khu đã thành lập Trung tâm ươm tạo và nghiên cứu phát triển công nghệ cao nhằm xây dựng mô hình chuẩn để chuyển và đã chuyển giao hiệu quả công nghệ lai tạo giống lan, chuối, rau cho nông dân và mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục tấn giống chất lượng cao, đào tạo cho cả nghìn lượt nông dân, doanh nghiệp. Hiện nay, chuyển giao công nghệ là một trong những chức năng chính của khu NNCNC, nhiều công ty chuyển giao và có sản phẩm bày bán trên thị trường.

* Những khu NNCNC mới sẽ tập trung vào lĩnh vực nào, thưa ông?

- Theo chủ trương của UBND TP.HCM, TP sẽ mở rộng thêm khu NNCNC hiện tại thêm khoảng 200ha tại khu vực đối diện. Khu mới này cũng để cho các nhà đầu tư triển khai các mô hình sản xuất các loại rau, hoa và cá cảnh. Trong khi đó, khu NNCNC ở Bình Chánh có diện tích 100ha sẽ chuyên về lĩnh vực chăn nuôi (bò, heo, gà) theo hướng khép kín và an toàn thực phẩm. Khu thứ ba chuyên về nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các loại thủy hải sản đặt tại huyện Cần Giờ với diện tích khoảng 90ha.

Hầu hết đất của hai khu NNCNC sắp mở sẽ giao cho nhà đầu tư để đủ đất sản xuất NNCNC nhưng không phải sản xuất đại trà ra sản phẩm hàng hóa, mà là sản xuất thử nghiệm, sản phẩm chính rồi nhân rộng ra thị trường.

* Nhiều nước đã rất thành công trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, làm thế nào thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư rồi chuyển giao công nghệ cho nông dân VN, thưa ông?

- Khu NNCNC hiện có 14 nhà đầu tư nhưng ngoài một công ty nước ngoài tham gia liên doanh, còn lại toàn bộ của VN. Một phần do quỹ đất của khu NNCNC hiện tại ít quá, trong khi những nhà đầu tư nước ngoài lại cần một diện tích lớn. Nhưng quan trọng nhất là nhà đầu tư nước ngoài rất thận trọng, họ quan tâm đến việc phát triển NNCNC liên vùng chứ không riêng TP.HCM. Các điều kiện về hạ tầng, nhân lực của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của họ. Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất giống, của VN đang bị bỏ ngỏ cũng là một trở ngại trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Trong định hướng thu hút nhà đầu tư vào các khu NNCNC mới tại TP.HCM, chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc mời các doanh nghiệp đến từ những nước có thế mạnh về nông nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel... để kéo công nghệ các nước về VN.

TRẦN MẠNH - NGUYỄN TRÍ thực hiện

Theo tuoitre.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 91

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 87


Hôm nayHôm nay : 18772

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1181833

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72864542