Là kỹ sư cầu đường công tác tại một công ty ở tỉnh, do thương cha mẹ già không người chăm sóc, năm 2015, anh Thành quyết định về sống cùng ba mẹ tại ấp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A.
Trong một lần xem mạng internet thấy nông dân Đồng Tháp sử dụng máy cuộn rơm để thu rơm rạ nuôi bò, trồng nấm, anh Thành cứ bị “ám ảnh” anh mãi. “Lớn lên ở nông thôn, tôi hiểu rõ, do thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nên rơm của mùa vụ trước thường rải trên đồng ruộng, nếu không xử lý sẽ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở vụ sau. Nếu như đốt đồng sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm mất dần chất hữu cơ trong đất” - anh Thành bộc bạch.
Theo anh Thành, việc sử dụng máy cuộn rơm trên đồng giúp nông dân hạn chế ngộ độc hữu cơ cho vụ sau
Theo anh Thành, rơm là loại phế phẩm trong sản xuất lúa nhưng có thể làm thức ăn nuôi trâu, bò, là nguyên liệu để trồng nấm rơm mang lại giá trị kinh tế cao. Vậy là anh nung nấu ý tưởng mua máy cuộn rơm giúp cho bà con đỡ vất vả trong xử lý rơm rạ, lại tăng thêm thu nhập từ bán rơm, nhất là có nguồn rơm giá rẻ phục vụ nghề trồng nấm rơm vốn là nghề phát triển mạnh tại xã Thạnh Đông A những năm qua.
Nghĩ là làm, anh Thành dùng hết 300 triệu đồng dành dụm được trong những năm đi làm kỹ sư để mua máy cuộn rơm. Thời điểm mới mua máy là vào vụ hè thu năm 2016 nên lượng rơm cuộn được không nhiều do mưa nhiều, số tiền từ vụ đầu thu về chỉ hơn chục triệu đồng. Đến vụ thu đông 2016, vẫn không mấy khả quan vì rơm mùa này không được tươi và khô. Bị vợ nhằn vì bỏ ra số tiền lớn mà lãi thu về nhỏ giọt, nhưng anh Thành vẫn động viên vợ vì tin sẽ thành công.
Anh Thành bên số rơm chờ khách hàng đến mua
“Vụ đông xuân 2016-2017, trời nắng ráo, việc thu gom rơm thuận lợi. 1 giờ máy cuộn rơm của tôi có thể thu gom và ép thành cuộn được 5 công rơm với khoảng 70 cuộn rơm, 1 ngày cuộn được 2,5ha với 500 cuộn rơm. Bình quân mỗi mùa vụ tôi cuộn rơm được hơn 100ha với hơn 20.000 cuộn rơm” - anh Thành chia sẻ.
Bình quân mỗi mùa vụ anh Thành cuộn được hơn 100ha với hơn 20.000 cuộn rơm
Bên cạnh đó, nếu bà con có nhu cầu trữ rơm lại để nuôi bò hoặc trồng nấm thì tiền công cuộn rơm từ 11.000-12.000 đồng/cuộn. Hộ nào bán rơm thì anh Thành mua 500.000 đồng/ha. Theo anh Thành, thị trường tiêu thụ rơm rất rộng lớn. Hiện anh bán tại chỗ với giá 16.000 đồng/cuộn rơm khô, sau khi trừ chi phí, vụ đông xuân rồi, anh Thành lãi gần 100 triệu đồng.
Ngoài dùng rơm cho chăn nuôi, nông dân còn có thể sử dụng để trồng nấm
Để giữ uy tín, anh Thành chỉ bán những cuộn rơm có chất lượng tốt, còn những cuộn rơm ướt, xỉn màu, anh Thành để lại trồng nấm rơm. Với máy cuộn rơm và nghề trồng nấm của gia đình, anh Thành tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Thành phấn khởi nói: “Tôi vui vì đã tạo thêm việc làm cho bà con xung quanh. Trong tương lai, tôi mong muốn sẽ có thêm máy cuộn rơm để đáp ứng nhu cầu ở quê mình, đồng thời, dành dụm tiền để đầu tư trang trại nuôi bò Úc và trồng nấm trong nhà, vừa tăng thu nhập cho gia đình lại góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương”.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn