Ông Phúc bên chiếc chăn được Bác Hồ tặng năm 1968
“Phút giây ngắn ngủi đó thực sự làm thay đổi cuộc đời tôi”, ông Phan Đình Phúc tâm sự...
Được Bác Hồ tặng chăn
Đó là mùa hè năm 1957. Nay, chàng trai Phan Đình Phúc đã “lên chức” ông. Rất tự nhiên, ông Phúc dẫn tôi vào câu chuyện của 60 năm trước. Năm 18 tuổi ông Phúc vào Đảng, ngoài 20 tuổi ông đã làm Bí thư Đảng ủy xã Đức Thuận (nay là phường Đức Thuận, Đức Thọ). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước còn bộn bề khó khăn, thực hiện nhiệm vụ trên giao, Phúc đã tận tâm, tận lực thúc đẩy các phong trào của xã Đức Thuận về đích sớm nhất. Phần thưởng cho thành tích đó là ông được Huyện ủy Đức Thọ chọn làm đại biểu ưu tú gặp Bác Hồ trong lần duy nhất Người về thăm Hà Tĩnh.
“Cả đêm hôm ấy (14/6/1957) tôi không sao ngủ được. Gà gáy canh hai ngày 15/6 tôi đã ôm mo cơm vượt hơn 40 cây số vào TX Hà Tĩnh để được gặp Bác Hồ”, ông Phúc bồi hồi nhớ lại.
Vào hội trường, do là điển hình xuất sắc nên ông được xếp ngồi ở hàng ghế thứ hai, dù chức vụ chỉ là Bí thư Đảng ủy xã. Sự xuất hiện của Bác Hồ đã làm thỏa lòng khao khát của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh về nỗi niềm mong Bác về thăm. “Hôm đó, tôi kiếm mãi mới được cái áo gụ tương đối lành lặn, vai đã bạc màu, không ngờ cái vai áo sờn đó đã gây chú ý với Bác. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác bất ngờ đi xuống, đặt tay lên vai áo tôi và hỏi: “Vai áo sờn thế này, chú công tác vất vả lắm phải không?”. Tôi chưa kịp trả lời, ai đó đã nói xen vào: “Thưa Bác! Đồng chí Phúc đã đưa phong trào xã nhà trở thành một trong những điển hình xuất sắc của toàn tỉnh đấy ạ”.
“Nghe vậy, Bác lấy một chiếc huy hiệu mang tên mình gắn lên ngực áo tôi. Chưa hết, sau đó Bác hỏi công việc, dặn dò tôi phải luôn gương mẫu trong công tác, thực hiện cần - kiệm - liêm - chính - chí - công - vô tư. Bác còn hỏi thăm gia đình, nghe tôi kể hoàn cảnh, Bác cảm thông lắm, Người trao cho gói kẹo, bảo: “Bác gửi tặng cô ấy và các cháu”. Nhưng đặc biệt nhất là cái kia kìa!”- ông Phúc vừa nói vừa chỉ tay về phía cái túi ni lông được bọc cẩn thận treo trên trần nhà. Tôi còn ngơ ngác, ông đã giải thích: “Chăn Bác Hồ tặng đấy, ấm lắm!”.
Chuyện là mùa hè năm 1968, giặc Mỹ thả bom vào làng. Trận bom đó đã đốt cháy 120 ngôi nhà, 37 người chết, trong đó có ngôi nhà nhỏ của ông Phúc. Cuối năm đó, đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy ra Hà Nội công tác. Khi được đồng chí Linh kể về trận bom khủng khiếp đó, Bác Hồ hết sức xúc động, mắt nhòa lệ. Trầm ngâm một lúc, Bác gọi cán bộ phục vụ mang đến một cái chăn. Khi cái chăn được mang đến, Bác bảo: “Chú lấy cái chăn lành hơn tặng chú Phúc!”. Quay sang đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Người nói: “Bác nhờ chú mang cái chăn này về tặng chú Phúc”.
Kể đến đấy, giọng ông Phúc lạc đi. “Tôi nghĩ đời mình được gặp Bác một lần đã hạnh phúc lắm rồi. Không ngờ còn được Bác nhớ mà tặng chăn...”. Từ đó, ông Phúc giữ tấm chăn như giữ báu vật của đời, bên cạnh chiếc Huy hiệu Bác Hồ được ông cất giữ rất cẩn thận trong một chiếc hộp kim loại nhỏ, đặt trong chiếc hộp gỗ. “Gần 2 nghìn người dự buổi đón Bác thăm Hà Tĩnh, chỉ có một trăm người được Bác tặng huy hiệu thôi đấy!”, ông Phúc khoe.
“Tôi mang ơn Bác nhiều lắm!”
Sau lần gặp Bác Hồ, ông Phúc như có thêm sức mạnh. Cộng thêm sức trẻ của một Bí thư Đảng ủy xã mới 27 tuổi, nên chỉ một thời gian ngắn xã ông đã hoàn thành mục tiêu đặt ra; tổ chức thành công các mô hình “Hợp tác xã đổi công, Hợp tác xã cấp thấp, Hợp tác xã mua bán ...”. Nhờ đó, xã Đức Thuận trở thành điểm sáng và là lá cờ đầu trong phong trào An Khê cũng như công tác quân sự mà ông là người dẫn đầu.
“Tôi mang ơn Bác Hồ nhiều lắm”! Ông Phúc trở nên trầm ngâm, ánh mắt xa xăm. Năm nay gần 70 năm tuổi Đảng, 87 tuổi đời, ông Phúc chọn lối sống giản dị, vẫn ham lao động, không phiền lụy con cháu. “Chú nhìn kìa!”, ông vỗ nhẹ vào vai tôi chỉ về phía khu vườn nhỏ nhưng có khá nhiều loại rau quả khác nhau. Ấn tượng nhất là giàn bầu, cỡ ba bốn chục quả lủng lẳng. “Học tập Bác Hồ đó chú ạ! Cần - Kiệm - Liêm - Chính mà”.
Cái bếp củi trong kia với tôi và con cháu các cụ đã trở nên lạ lẫm, con cháu đã nhiều lần đề nghị thay mà ông bà không cho. “Bây giờ người ta đun gas, điện hết nên củi dễ kiếm lắm chú ạ”, vợ ông từ trong nhà bước ra lên tiếng.
Rồi cả cái bóng đèn “bảy oát” treo ở phòng khách không biết mỗi tháng đốt hết bao nhiêu ký điện nhỉ?! Thì ra, thang hạnh phúc của con người cũng vô thường lắm, giống như đôi chân trần của ông Phúc đang bám lấy mặt đất mát rượi dưới kia.
Hồng Lĩnh, đêm 10/6/2017
Theo Tác giả: Đào Văn Mừng
Nguồn tin: Báo Giao thông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn