Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, sửa đổi NĐ 210 với nhiều nội dung đổi mới kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến thực sự, giúp gia tăng số DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thưa Thứ trưởng, tinh thần chủ đạo trong sửa đổi NĐ 210 lần này là gì?
Hiện nay, muốn phát triển nông nghiệp phải tạo được liên kết chuỗi, muốn cạnh tranh thì cần sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để đáp ứng cả hai yếu tố này, DN được xem là nòng cốt, trung tâm của phát triển nông nghiệp.
Lần này, NĐ 210 được xem xét, sửa đổi theo tinh thần tập trung vào cơ chế chính sách giúp DN đã đầu tư vào nông nghiệp có thể phát triển mạnh lên. Bên cạnh đó, những hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thể phát triển thành DN. Đương nhiên, bước đầu, phải đi từ quy mô DN nhỏ đến lớn hơn. Việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn không chỉ giới hạn đối với DN ở trong nước mà kể cả các DN ở nước ngoài.
Nhìn chung, tư tưởng, quan điểm cơ bản đặt ra của lần sửa đổi này là cố gắng tạo cơ chế chính sách để DN có môi trường đầu tư thuận lợi, hạn chế tối đa việc đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho DN.
Thứ trưởng có thể phân tích rõ hơn, việc tạo điều môi trường thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được thể hiện cụ thể ở những khía cạnh nào?
Trước hết, đó là hỗ trợ, giúp DN đầu tư vào nông nghiệp có một quy mô đất sạch tối thiểu thông qua tạo cơ chế là chính để DN phối hợp với bà con nông dân tập trung tích tụ đất đai. Động thái này không hẳn là Nhà nước hỗ trợ tiền cho DN đi mua đất của người nông dân mà tạo cơ chế để DN và nông dân hợp tác với nhau góp đất, tạo ra quỹ đất lớn hơn cho việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới.
Ngoài ra, chính sách sẽ đưa ra cơ chế miễn giảm phí, lệ phí chuyển đổi đất giữa các hộ nông dân đối với DN, có thời gian ân hạn đối với tiền sử dụng đất… Cơ chế hỗ trợ, miễn giảm này có thể áp dụng tương tự đối với các lĩnh vực khác như tín dụng, bảo hiểm trong nông nghiệp, về thuế, nhất là thuế đối với sản phẩm mà nông nghiệp sản xuất ra. Thuế Giá trị gia tăng cho DN, thuế Thu nhập cá nhân của những doanh nhân trong nông nghiệp cũng phải tính đến. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải có những hỗ trợ nhất định trong một thời gian về kinh phí cho những DN khởi điểm, hỗ trợ đào tạo lao động cho DN…
Chúng tôi cũng đang xem xét để đề xuất với Chính phủ là không phân biệt DN, các thành phần kinh tế khác nhau mà sẽ có sự ưu đãi, ưu tiên đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn so với những vùng ít khó khăn hơn.
Cải cách thủ tục hành chính sẽ khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Ảnh: S.T
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần tập trung vào những lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn thay vì dàn trải. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào?
Trong quá trình soạn thảo dự thảo Nghị định thay thế NĐ 210, Bộ NN&PTNT cũng đã tiếp thu những ý kiến này, tập trung vào vùng khó khăn, tập trung vào các dự án ưu tiên. Trong các dự án ưu đãi đầu tư thì những sản phẩm chủ lực của dự án sẽ được coi là lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
Bộ NN&PTNT đã công bố hơn 10 sản phẩm nông sản chủ lực. Trên thực tế, không thể đối xử với các mặt hàng có đóng góp khác nhau như nhau được và việc xác định sản phẩm chủ lực là điều đương nhiên. Tất nhiên, danh sách sản phẩm chủ lực ưu tiên đầu tư này sẽ được xem xét, cân đối, điều chỉnh hàng năm cho phù hợp.
Việc sửa NĐ 210, Chính phủ đặt ra mục tiêu, yêu cầu là phải tạo sự chuyển biến, động lực thật sự để mọi đối tượng quan tâm đầu tư vào nông nghiệp. Nghị định mới, các chính sách cơ bản tốt hơn, tin tưởng sẽ gia tăng sức hấp dẫn và mối quan tâm của DN vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, sức hấp dẫn đến đâu, mức gia tăng đầu tư như thế nào, có đạt được như kỳ vọng hay không thì phải đánh giá thêm.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam: Mặc dù Nghị định 210/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực từ tháng 2/2014, song kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế.
Tốc độ tăng trưởng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với DN ở các lĩnh vực khác. Đến tháng 9/2016, chỉ có 4.424 DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số DN cả nước. Trong năm 2015, số DN ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 2.019 DN, cao hơn 11,3% so với DN thành lập mới.
Uyển Như (ghi)/ Báo Hải Quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn