Những ngày này, huyện Chiêm Hóa đang vào vụ thu hoạch lạc rộ. Vụ năm nay, huyện gieo trồng 1.900 ha lạc, trong đó có 1.144 ha lạc trồng trên đất ruộng 1 vụ lúa, còn lại trên đất soi bãi. Ngay từ đầu vụ, do thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên củ khá chắc, năng suất trung bình đạt 34 tạ/ha.
Nông dân xã Phúc Sơn trao đổi kinh nghiệm trồng lạc cho năng suất cao |
Xã Phúc Sơn là địa phương có diện tích lạc lớn nhất huyện Chiêm Hóa. Vụ này, xã trồng 474 ha lạc. Với đặc điểm thổ nhưỡng đất pha cát cộng với kinh nghiệm nhiều năm canh tác của người nông dân, hằng năm cây lạc ở Phúc Sơn luôn đạt năng suất trung bình 37 tạ/ha. Cao nhất vùng lạc Chiêm Hóa.
Vụ lạc năm nay, gia đình anh Trần Văn Tuấn, thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn trồng 2.500 m2 lạc, giống L14. Nhờ thời tiết thuận lợi, lại chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên gia đình anh thu được gần 10 tạ lạc khô. So với những vụ trước, vụ năm nay năng suất cao hơn 1 tạ.
Anh Tuấn bảo, gia đình gắn bó với vùng lạc đã nhiều năm, các giống lạc sử dụng cũng nhiều, nhưng giống L14 ở đây được nhiều hộ trồng do giống lạc mới chịu thâm canh cho năng suất cao và kháng chịu sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đốm nâu, đốm đen và bệnh rỉ sắt. Trừ chi phí giống, phân bón, vụ năm nay gia đình anh thu lãi gần 20 triệu đồng.
Trồng lúa năng suất thấp, 4 năm nay gia đình anh Khổng Thanh Mạnh, thôn Nà Bó, xã Phúc Thịnh đã chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất trồng lúa sang trồng lạc, giống L14. Năm nay, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời nên cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt.
Anh Mạnh cho biết, lạc vụ này được mùa, đến khi thu hoạch thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 15.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với vụ trước nên người trồng rất phấn khởi. Riêng gia đình anh, hơn 1.000 m2 đất lạc cho thu lãi trên 8 triệu đồng. So với trồng lúa cây lạc cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi. |
Một trong những thành công trong vụ lạc năm nay ở Chiêm Hóa là huyện triển khai hiệu quả mô hình trồng lạc che phủ nilon vụ đông xuân tại 11 xã với diện tích 132,4 ha. Mô hình này có nhiều ưu điểm như: Cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được thoát hơi nước, cỏ mọc và đảm bảo giữ ẩm, giữ ấm về mùa đông. Ngoài ra, phương pháp này còn chống được xói mòn đất, phòng tránh được nhiều loại sâu bệnh; lạc trồng theo mô hình này rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 10 - 15 ngày, lạc phát triển đều, sai củ, cho năng suất cao hơn 20%.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, mô hình trồng lạc che phủ nilon cho năng suất đạt 42 tạ/ha lạc khô, cao hơn mô hình trồng thông thường từ 5 - 8 tạ/ha. Cùng với đó, để nâng cao năng suất, chất lượng cây lạc, Sở đã phối hợp với huyện Chiêm Hóa thực hiện chương trình phục tráng giống lạc. Giống lạc được lựa chọn là giống gốc, năng suất cao, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà và phát huy lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lạc của tỉnh.
Với năng suất như hiện nay, trung bình mỗi năm huyện Chiêm Hóa thu tổng sản lượng khoảng 6.500 tấn lạc, giá trị đạt gần 130 tỷ đồng. Huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp tập trung, đồng bộ để tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng nhãn hiệu tập thể lạc Chiêm Hóa. Huyện phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích trồng lạc trên địa bàn là 3.000 ha, tổng sản lượng đạt hơn 10.000 tấn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn