Quỹ BVPTR tỉnh Lai Châu thành lập năm 2009 theo hình thức hoạt động kiêm nhiệm. Đến cuối năm 2011, Quỹ là đơn vị độc lập trực thuộc Sở NN-PTNT và chính thức đi vào hoạt động độc lập từ 2012.
Sau 10 năm Quỹ BVPTR Lai Châu đạt được nhiều thành tựu to lớn |
Trong thời gian qua, Quỹ tập trung triển khai thực hiện hai nhiệm vụ gồm: triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ và thực hiện công tác thu, chi tiền trồng rừng thay thế theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật BVPTR.
Đối với việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác BVPTR, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân về chính sách chi trả DVMTR nói riêng và BVPTR nói chung.
Về công tác thu tiền DVMTR, Quỹ phối hợp chặt chẽ với Quỹ BVPTR Việt Nam tiếp nhận tiền ủy thác chi trả DVMTR đúng quy định. Hàng năm, Quỹ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đàm phán và tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các cơ sở sử dụng DVMTR đi vào hoạt động đúng quy định.
Theo số liệu cập nhật, tổng số hợp đồng Quỹ BVPTR Lai Châu đã ký đến nay là 11/11 nhà máy thủy điện trong tỉnh gồm: Chu Va 12, Nậm Lụng, Nậm Cát, Nậm Mở 3, Bản Chát, Nậm Na 2, Nậm Na 3, Nậm Sì Lường, Hua Chăng, Nậm Ban 2, Nậm Thi 2 và Công ty CP Nước sạch Lai Châu đảm bảo đúng quy định.
Đặc biệt, công tác chi trả tiền DVMTR được đơn vị luôn thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định, nhất là đảm bảo công tác thanh toán cho các BQL rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm để các đơn vị thanh toán cho người nhận khoán trước Tết Nguyên đán.
Cụ thể, tổng chi từ năm 2012 - 15/9/2018 là: 1.181 tỷ đồng. Quỹ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hướng dẫn, đôn đốc, thu tiền trồng rừng thay thế đảm bảo theo đúng quy định với kết quả thu 123,71 tỷ đồng, bằng 100% tổng số tiền phải nộp để trồng rừng thay thế.
Sau 10 năm tổ chức hoạt động, Quỹ BVPTR Lai Châu đóng góp tích cực tới công tác BVPTR trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BVPTR, tạo niềm tin của với chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về rừng.
Các thôn bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã thành lập các tổ chuyên trách, ban hành quy chế hoạt động, phân phối thu nhập từ nguồn DVMTR. Tổ chuyên trách thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt trong mùa khô với các dụng cụ như dao phát, quần áo bảo hộ… được trang bị trích từ nguồn thu DVMTR. Có nơi còn làm đường tuần tra tại điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, phát đường băng trắng cản lửa phòng chống cháy rừng, lập chốt gác bảo vệ rừng.
Ảnh: N.H |
Kết quả, số vụ phá rừng, cháy rừng, diện tích cháy và số vụ vi phạm luật BVPTR giảm đáng kể, không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép. Tình trạng di cư tự do giảm, diện tích rừng đã được nâng lên (độ che phủ rừng của tỉnh từ 41,6% năm 2011 lên 48,16% năm 2017) góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, đa dạng sinh học nâng lên, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Trọng Lịch, Giám đốc Quỹ BVPTR Lai Châu chia sẻ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Qũy cũng như thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác BVPTR, trong đó yêu cầu phải đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, sát với với tình hình thực tế thực hiện trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể cho phù hợp yêu cầu của Trung ương cũng như điều kiện thực tế của tỉnh để triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, Quỹ tiếp tục quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đặc biệt việc quản lý sử dụng tiền DVMTR tại chủ rừng, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng và người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng gắn với giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh.
Quỹ cùng đề nghị Trung ương sớm có văn bản quy định thống nhất, chi tiết đồng bộ hệ thống Quỹ BVPTR cấp tỉnh làm cơ sở cho tỉnh Lai Châu thực hiện.
Không chỉ tác động tích cực tới công tác BVPTR, chính sách chi trả DVMTR tại Lai Châu còn góp phần cải thiện sinh kế cho hơn 73.000 hộ gia đình nhận khoán BVPTR với đơn giá chi trả năm 2018 dự kiến 1,1 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán năm 2018 dự kiến 5,8 triệu đồng/hộ/năm. Đây là nguồn thu nhập ổn định được các hộ sử dụng có hiệu quả như đầu tư phát triển sản xuất mua cây, con giống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn