Nên cơ nghiệp từ 2 bàn tay trắng
Anh Chuy sinh ra trong một gia đình thuần nông, tuổi thơ gắn liền với những năm tháng đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn, ăn không đủ no, áo không đủ ấm vì mỗi nhân khẩu chỉ trông chờ vào 1,8 sào ruộng mà “vắt mũi chỉ đủ đút miệng”.
Anh Nguyễn Văn Chuy vệ sinh một góc trong trại vịt.
Năm 1992, tốt nghiệp THPT, Chuy xếp sách vở, bút nghiên, gác lại niềm mơ ước giảng đường đại học để làm thuê cho một công ty thức ăn chăn nuôi. Có thêm hiểu biết về chăn nuôi, anh vận động bà con dùng cám gia súc bởi khi đó nông dân thường chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít do chỉ để dùng trong nhà mỗi khi có giỗ chạp, lễ tết chứ ít có dư dả mà đem ra chợ, thức ăn chăn nuôi chủ yếu tự kiếm và tận dụng thức ăn thừa chẳng đáng là bao.
Được sự tin tưởng, hàng ngày, sau giờ tan ca, anh lấy xe cải tiến chở cám đến từng nhà, từng ngõ phục vụ bà con, chỉ lấy chút ít tiền công coi như lấy công làm lãi. Bà con chòm xóm thấy Chuy nhiệt tình, tận tâm, các loại cám bã thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm mà anh cung ứng luôn “đúng-đều-đủ” không có giá đắt mà lại “đắt hàng” nên mọi người đặt hàng với số lượng ngày một nhiều lên, đáp ứng xu thế mở rộng quy mô chăn nuôi.
Công nhân trong trang trại của anh Nguyễn Văn Chuy đang thu gom trứng vịt.
Những năm miệt mài trần lưng với chiếc xe cải tiến chở thức ăn gia súc, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hiểu biết về sản xuất nông nghiệp, chắt chiu dành dụm được chút vốn nhỏ ban đầu. Năm 2007, anh quyết định mở đại lý cấp 1 cung ứng vật tư nông nghiệp và đầu tư mua ôtô tải phục vụ bà con được nhanh chóng kịp thời. Luôn duy trì nhịp độ phục vụ nhiệt tình chu đáo. Đến nay, mỗi ngày anh cung cấp trên 10 tấn cám, thu nhập trên 3 triệu đồng/ngày.
Tay trắng đi lên, nhờ chịu khó, cần cù và nỗ lực cao, Nguyễn Văn Chuy được bà con quê nhà coi như một điển hình trong thoát nghèo và làm giàu. Nhiều người coi anh như “vị cứu tinh” vì khi khó khăn vẫn được cung cấp đầy đủ vật tư nông nghiệp cần thiết cho mùa vụ, khi nào thu hoạch mới thanh toán gối đầu.
Anh Nguyễn Văn Chuy cùng công nhân đang thu hoạch cam.
Không dừng lại ở đó, nếu hạn chế về kiến thức chắc chắn không thể thực hiện được giấc mơ làm trang trại - đó là điều bấy lâu nay anh Chuy trăn trở. “Nhân bất học, bất tri lý”- lời cổ nhân đã truyền cho anh ý chí khát khao hiểu biết và làm giàu ngay tại đồng đất quê hương. Năm 2002, anh thi vào Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Chỉ một năm sau, xã ra chính sách dồn điền, đổi thửa. Anh quyết định chọn phần ruộng của mình ở chỗ xa và trũng nhất để có nhiều diện tích. Vợ anh, chị Phạm Thị Hiên khi ra xem đất đã ngán ngẩm. Nhưng chị không ngờ, anh nhận 3,6 sào ruộng đó không phải để cấy lúa mà ấp ủ kế hoạch làm trang trại của mình. Có chút vốn liếng từ tiền bán cám gia súc, anh quyết định mua thêm ruộng xung quanh của bà con không có nhu cầu cấy lúa và bắt đầu đào ao nuôi cá, mặt nước dùng vào việc nuôi vịt thương phẩm. Vừa học, vừa làm, anh tự mày mò thực hành với kiến thức đã học ở trường và tham khảo trên mạng, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và các cụ lão nông tri điền, thành công bước đầu đã có từ những cây, những con anh đưa vào nuôi trồng thử nghiệm.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Chuy đang xuất trứng vịt cho thương lái.
Năm 2009, Chuy thấy nhu cầu nuôi vịt của bà con tăng cao trong khi mua giống với số lượng lớn rất khó khăn, anh đã đầu tư mở lò ấp trứng vịt phân phối cho thương lái. Với lò ấp trứng mới, trừ tháng đầu tiên, cứ 3 ngày anh Chuy thu một mẻ với số lượng 2.000 con giống. Vào thời điểm đó, anh đã bán với giá khoảng 6.500 – 11.000 đồng/con. Duy trì lò ấp trứng tới giữa năm nay, do thị trường đã bão hòa nên anh quyết định dừng lại.
Làm giàu từ ý nghĩ “có gì đâu”
Anh Nguyễn Văn Chuy là người đầu tiên trong số 2.300 hộ dân của xã làm trang trại. Đây là bước đột phá mới cho xã, hiện giờ anh đã gặt hái được nhiều thành công để cho mọi người dân học tập kinh nghiệm làm giàu của anh. Cho tới nay, xã có thêm 5 hộ nữa đã thành lập trang trại từ những chia sẻ, động viên của anh Chuy”. Ông Ngô Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Phạm Ngũ Lão |
Gặp Chuy, tôi nghe anh kể về việc anh tự bỏ tiền để làm đường ra đồng với ý nghĩ “có gì đâu” khi nói đã bỏ tiền ra mua cát sỏi, vật liệu và nhân công để làm. Khi ấy, được Nhà nước hỗ trợ xi măng từ chương trình xây dựng nông thôn mới nên con đường cũng nhanh chóng được hoàn thành sớm hơn, lại được dài rộng hơn ngoài dự kiến. Giờ đây, người dân có thể đi làm đồng được dễ dàng và hơn nữa xe ôtô có thể vào tận trang trại của anh, thuận lợi hơn trong mua bán, cung cấp hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng.
Anh Chuy hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại vốn là đồng trũng xưa. Với hơn 10 mẫu ruộng, anh đầu tư rất quy mô, bài bản với hệ thống tưới nước tự động, có camera giám sát. Thăm vườn cam đang vào kỳ thu hoạch, chúng tôi như lạc lối trong bạt ngàn lúc lỉu những quả cam căng mọng mời gọi kích thích vị giác khứu giác. Năm đầu tiên, mỗi gốc bình quân cũng cho thu về 12kg, với 2.000 gốc cam, anh tính sơ qua cũng được hơn 20 tấn, thương lái đến tận nơi mua với giá xô tại vườn là 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, Chuy áng chừng thu về hơn 500 triệu đồng. Anh hy vọng, từ năm sau, mưa thuận, gió hòa sẽ cho thu về gấp đôi, thậm chí gấp ba năm nay. Đưa chúng tôi ra vườn rau ngát xanh, anh Chuy khoe: “Còn khu rau sạch này, sắp tới bà con đến chọn lựa loại mình cần tự thu hoạch rồi mang ra chợ bán luôn, tôi chỉ để cái cân ở cổng, cứ tính cân lấy tiền”.
Chị Phạm Thị Hiên - vợ anh Nguyễn Văn Chuy đang cho cá ăn.
Cách một vườn anh lại đào một ao tiện cho việc thoát nước cho cam, rau. Với 5 sào ao, anh nuôi đủ các loại cá, đầu tư hệ thống máy sục oxy, mỗi năm thu về khoảng 150 triệu đồng. Đặc biệt, trang trại của anh có 5.000 con vịt đẻ trứng thương phẩm, sáng nào vợ chồng anh cũng thu hơn 4.000 quả trứng với giá 2.100 đồng/quả, và có tới 500 con gà thịt cung cấp cho thị trường.
Với sự cần cù, chịu khó cộng với tính năng động, nhạy bén từ kiến thức bản thân, từ khi lập nghiệp, anh Chuy không ngừng vận động, thay đổi nuôi trồng theo xu hướng thị trường. Đến nay, anh Chuy đã nhận về thành quả của mình. Bộn bề công việc, ngoài vợ con phụ giúp, anh còn thuê thêm từ 3-5 công nhân thường xuyên làm việc và theo thời vụ, mỗi người thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Hỏi về thu nhập một năm của gia đình, anh nhẩm tính rồi trả lời khiêm tốn: "Năm nay, trừ hết chi phí, nhân công, chắc cũng thu về được khoảng 2,5 tỷ đồng". Từ những thành quả đạt được, nhiều năm liền anh đã vinh dự được xã, huyện, đặc biệt tỉnh tặng bằng khen hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2016.
Anh Nguyễn Văn Chuy nuôi tới 5.000 con vịt đẻ trứng.
Chia sẻ thêm với chúng tôi về cách làm ăn của mình, anh Chuy bộc bạch: "Chỉ có đam mê và sự nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm và luôn đặt tâm vào mọi công việc, việc gì cũng có thể thành công. Những sản phẩm tôi mang đến người tiêu dùng luôn đảm bảo chất lượng, cũng như mẫu mã, làm sao phải ngon, sạch và rẻ mới có uy tín để làm ăn và tồn tại được lâu dài. Qua vụ này, tôi sẽ tiếp tục mua thêm đất ruộng bà con không có nhu cầu cấy lúa vì rất vất vả lại chỉ lấy công làm lãi để mở rộng thêm trang trại theo đúng quy hoạch của mình". /.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn