Sau hơn 3 năm nỗ lực phấn đấu, tháng 5 vừa qua, huyện Phước Long vui mừng tổ chức lễ công nhận xã Vĩnh Thanh, là xã đầu tiên của huyện và cũng là xã đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, 6 xã còn lại của huyện sẽ lần lượt được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm tới.
Ông Trần Hoàng Duyên - Bí thư huyện ủy Phước Long cho biết, kết quả này có được bắt nguồn từ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước hợp với lòng dân, sự gắn bó và trách nhiệm cao của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong huyện đã nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của các địa phương, đồng thời vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương của Trung ương phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện, từ đó đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội và người dân trên địa bàn.
Mô hình lúa màu ở Pước Long
“Cái kinh nghiệm mà có thể nói thành công hay thất bại trong cái việc chỉ đạo chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới này đó là trước hết là đồng chí đứng đầu và cấp ủy chính quyền địa phương phải tâm huyết, hăng hái, tích cực, gương mẫu đi đầu trên cơ sở việc gì cũng phải hăng hái và làm với tinh thần tâm huyết nhưng cũng phải đảm bảo tính nguyên tắc, công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận cho nhân dân. Từ đó mà chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thì đối với huyện Phước Long có kết quả hết sức phấn khởi, đời sống của nhân dân thực sự nâng lên, diện mạo nông thôn thực sự thay đổi” - Ông Trần Hoàng Duyên nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, hơn 3 năm qua Phước Long đã đầu tư xây dựng được hơn 400 km đường bê tông trục ấp, liên ấp, ngõ, xóm; 14 km bờ kè; hơn 140 cầu bê tông cốt thép; 20 trạm cấp nước;18 trạm bơm điện gắn với ô đê bao thủy lợi khép kín, 16 cánh đồng mẫu lớn; Nâng cấp, mở rộng 3 chợ nông thôn cùng nhiều công trình phần việc quan trọng khác.
Công nhận xã Vĩnh Thanh đạt chuẩn nông thôn mới
Đặc biệt, lấy sản xuất nông nghiệp – thủy sản làm chủ lực để phát triển kinh tế, những năm qua, Phước Long không ngừng phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao trên cả 2 vùng sản xuất, nhất là mô hình: Lúa - màu, lúa - cá, lúa - tôm, tôm - cá, tôm - cua. Phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi các loại động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao, nhất là cá sấu. Từ đó sản xuất nông nghiệp và thủy sản của huyện ngày càng phát triển, tổng giá trị trung bình hàng năm đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp – thủy sản, huyện còn tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ, tổng giá trị hàng năm đạt hơn 5.100 tỷ đồng. Hiện nay người dân Phước Long đã có thu nhập đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,4 lần so với năm 2009.
Anh Trần Văn Thống ở ấp Phước Thành, xã Phước Long, huyện Phước Long nhận xét: “ Gia đình tôi vừa kinh doanh vừa nuôi trồng thủy sản. Từ ngày có phong trào phát động nông thôn mới thì người dân chúng tôi được hưởng rất là nhiều, đường xá, cầu cống rất là thông thoáng. Về việc điều tiết nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản thì rất là tốt, tức là bây giờ tụi tôi thoải mái tự do bơm vô bơm ra để chủ động trong việc nuôi trồng rất là thuận lợi, người dân chúng tôi hưởng rất là nhiều từ chương trình nông thôn mới. Trước kia rất là khó khăn, năng xuất rất là thấp, nó ảnh hưởng nguồn nước, con tôm nó mang nhiều dịch bệnh nên năng suất thấp lắm, so với bây giờ năng suất rất cao, rất hiệu quả, người nông thôn chúng tôi rất phấn khởi”. Nhiều đoàn khách ở các tỉnh, thành trong nước đến tham quan huyện Phước Long
Từ phấn khởi và bước đầu nhìn thấy những hiệu quả to lớn do nông thôn mới mang lại đã tạo thêm động lực để người dân Phước Long hăng hái chung tay, góp sức nhiều hơn nữa trong xây dựng phong trào này. Theo Huyện ủy Phước Long, , nhiều năm qua chưa có phong trào cách mạng nào của Đảng và Nhà nước được hầu hết cán bộ và các tầng lớp nhân dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực như phong trào xây dựng nông thôn mới. Điều này cho thấy khi chủ trương của Đảng, Nhà nước đúng đắn, hợp lòng dân, đó cũng chính là lúc sức dân được khơi dậy. Những năm qua, bên cạnh việc chung tay đóng góp hàng ngàn tỷ đồng, nhiều hộ dân ở Phước Long còn tự nguyện hiến gần 600 ngàn m2 đất, để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa ấp, trạm cấp nước tập trung, trạm y tế, trường học, công trình vệ sinh… đồng thời góp hơn 70 ngàn ngày công lao động để xây dựng nhiều công trình công cộng tại địa phương.
Ông Phan Văn Dững ở ấp Tường 3A, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu, bộc bạch: “Chương trình nông thôn mới này rất hợp lòng dân, thì Nhà nước và nông dân cùng làm cái này có lợi cho bà con nông dân, xóm giềng đi lại thuận tiện thành ra tôi mới hiến đất này cùng Nhà nước làm lộ cho thông thương, người dân đi tới , đi lui dễ dàng và các cháu học sinh đi học sạch sẽ thì hiến tất cả 2 mặt tiền là 100 mét, bề ngang 3 mét, thì hiến đất rồi tôi thấy làm lộ quá xá tốt đẹp , mọi sự đi đứng, xe cộ rất dễ dàng. Hồi đó đường xá, mua bán đồ khó khăn lắm, giờ lộ lớn, xe 4 bánh, xe tải đồ vô tới nông thôn thì như vậy thì nông dân phát triển thấy khá giả lên rất rõ rệt”.
Rõ ràng để có được những thành tựu như hôm nay, bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát của các Bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân… Phước Long đã biết dựa vào sức dân để phát huy nội lực và điều cốt lõi là lãnh đạo nơi đây trong những lúc gian khó đã không trông chờ, ỷ lại mà biết vận dụng linh hoạt, hợp lý các cơ chế, chính sách và đặc biệt là biết tạo nên sợi dây đoàn kết, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ Đảng viên với phương châm “ Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Ông Huỳnh Kiến Thiết ở ấp Phước Trường xã Phước Long huyện Phước Long nhận xét: “ Tôi thấy rằng, chỉ có lãnh đạo Đảng tiêu biểu, gương mẫu thì mới đem cái sự đoàn kết, thống nhất ở dân, mới đem lại kết quả như hôm nay.Triển khai Nghị quyết rồi, mấy anh, mấy chú còn đi xuống trực tiếp làm với dân, chứ không phải xuống tới xã đâu, đi sát xuống công trình, chính tôi gặp rất nhiều lần, các đồng chí đi riết mưa nắng là đầu, cổ bất kể, có bữa đói khát luôn. Cho nên cả Bí thư huyện ủy còn như vậy, các đồng chí Thường vụ chỉ đạo ở xã cũng có tâm huyết đó, nói chung là chỉ đạo như thế chứ không phải chỉ đạo ở trên xuống thì đây là một cái mà tôi thấy được lòng dân chỗ đó, từ đó mà nhân dân có được cái chủ trương lãnh đạo như vậy và hành động như vậy thì buộc dân chúng tôi dầu giá nào cũng phải làm, từ đó mà đem lại cái bộ mặt nông thôn ngày nay rất là phấn khởi”.
Theo VOV