+ Cần gấp chính sách phát triển, tiêu thụ bò thịt cho miền Trung
Ông Lê Bá Lịch – nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông, Khuyến lâm: Bò thịt là lựa chọn tối ưu nhất
Về nông nghiệp, đi khắp dải đất miền Trung tôi chỉ thấy có mỗi cây thanh long và con bò là hai đối tượng cây trồng, vật nuôi có ưu thế, đem lại hiệu quả kinh tế khá nhất cho nông dân. Quan điểm của tôi, nuôi bò thịt sẽ là hướng lựa chọn tối ưu nhất đối với chăn nuôi theo hướng SX hàng hóa lớn ở miền Trung.
Mấy năm trước, khi chương trình “Lục lạc vàng” (Một chương trình từ thiện do Đài THVN thực hiện) hỏi ý kiến tham vấn của tôi về đối tượng vật nuôi nào tốt nhất để hỗ trợ nông dân, tôi đã trả lời chính là con bò. Sự bền vững và hiệu quả của chương trình đó đến nay vẫn đang chứng minh rất rõ.
Thứ nhất, đặc điểm sinh thái nước ta, chỉ có miền Trung là nơi thích hợp nhất với sinh học của bò. Điều này đã được hình thành một cách tự nhiên qua bao đời nay. Tiềm năng này, những người trong ngành chăn nuôi đã nhìn thấy từ lâu chứ không phải bây giờ mới đặt vấn đề.
Cách đây gần 20 năm, chúng ta cũng đã từng có dự án vốn vay nước ngoài trị giá 15 triệu USD để cải tạo đàn bò cho các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào, thu hút 27 tỉnh tham gia. Thủ tướng Chính phủ lúc ấy là đồng chí Võ Văn Kiệt đã rất ủng hộ dự án này. Đến năm 2000 dự án kết thúc, đã cơ bản cải tạo được gần 50% đàn bò của miền Trung.
Cùng với đó, cũng đã hình thành được mạng lưới cung ứng tinh bò, đội ngũ dẫn tinh viên. Xu hướng phát triển tất yếu của đàn bò đã được thể hiện cụ thể, từ chỗ gần như trống về hệ thống cung ứng tinh bò, đến nay Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương mỗi năm đã tiêu thụ tới 450 – 550 nghìn liều tinh.
Một số vùng vệ tinh ở Hà Nội hiện nay cũng đang bắt đầu xây dựng các vùng nuôi và cung ứng bò thịt vệ tinh... Tại một số tỉnh vùng Nam Trung bộ như Bình Định và Phú Yên hiện nay phong trào trồng cỏ, nuôi bò thịt phát triển rất tốt, nông dân sống khỏe nhờ nuôi bò.
Con bò là cả một sản nghiệp lớn của dân nghèo miền Trung
Về đầu ra cho sản phẩm, nhu cầu thị trường thịt bò ở Việt Nam còn vô cùng rộng lớn và chưa phải lo ngại điều gì. Thịt bò SX ra tới đâu tiêu thụ tới đó, và chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thị trường, giá cả cũng rất khá chứ không phập phù như thịt lợn và gia cầm.
Trên thế giới, cơ cấu tiêu dùng thịt thường 40-45% thịt lợn, 20-25% thịt bò, còn lại là thịt gia cầm. Còn Việt Nam thì đang nghịch lí khi cơ cấu thịt trâu – bò mới chỉ chiếm 4-5%, còn lại tới 70% là thịt lợn và 20% là thịt gia cầm.
Về các giải pháp, trước hết là vấn đề giống, hiện nay miền Trung cũng đã hình thành được bộ giống khá tốt. Tuy nhiên để phát triển mạnh và bền vững hơn nữa, trước hết cần tiếp tục triển khai chương trình cải tạo đàn bò miền Trung mà chúng ta đã từng làm trước đây, tiến tới cải tạo toàn bộ đàn “bò cỏ” (bò địa phương ngoại hình bé).
Trong đó, ưu tiên hàng đầu cho việc hỗ trợ phát triển nguồn tinh, hệ thống dẫn tinh viên. Đồng thời, có thể tiếp tục nghiên cứu nhập nội các giống bò thịt ưu thế từ Mỹ về để lai cải tạo đàn bò bản địa. Về công tác thú y, tôi nghĩ là không đáng ngại khi chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo.
Khó khăn nhất trong việc phát triển đàn bò miền Trung, đó chính là nguồn thức ăn, khi điều kiện đất đai, khí hậu khô hạn kéo dài của miền Trung rất bất lợi cho việc trồng cỏ. Nhưng tôi nghĩ cũng không phải là không giải quyết được nếu chúng ta có kế hoạch quy hoạch thủy lợi ưu tiên cho việc cung cấp nước nhằm giữ ẩm cho đất. Miền Trung trồng lúa được, chẳng lẽ không trồng cỏ được?
Vấn đề mấu chốt ở đây là lợi nhuận. Dân nuôi bò có lãi sống được, thì ắt sẽ có cách khai thác nguồn nước để trồng cỏ.
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN: Bình Định, Phú Yên là những mô hình
Với đặc điểm khí hậu khô, nóng, độ ẩm thấp..., miền Trung chính là điều kiện thiên phú để phát triển bò thịt, và miền Trung cũng chỉ thích hợp nuôi bò thịt chứ không phải bò sữa.
Ở nước ta, bò thịt các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Nghệ An, Thanh Hóa... hiện nay đã trở thành thương hiệu. Đối với nông dân miền nghèo miền Trung, làm ruộng mãi không thể khá, nhưng chỉ cần một con bò là có thể trở thành sản nghiệp lớn của họ.
Để phát triển đàn bò miền Trung, công tác cải tạo đàn bò cần phải tiếp tục được chú trọng. Gần 90 năm qua, chúng ta mới chỉ tiến hành Sind hóa được chưa tới 50% đàn bò ở miền Trung. Điều này cho thấy công tác này không phải dễ dàng ngày một ngày hai mà cần phải tiến hành liên tục.
Đáng buồn là trong những năm gần đây, công tác này hình như có phần chùng xuống. Không chỉ Sind hóa đàn bò, cần tiến tới lai với bò Brahman để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng cho đàn bò thịt ở đây.
Đã đành miền Trung sẽ khó khăn trong việc tạo nguồn thức ăn cho bò, nhưng không phải chúng ta không có cách giải quyết, bởi bò không chỉ ăn cỏ mà thôi. Các vùng phía nam Trung Quốc hiện nay họ có hẳn một chương trình về tận dụng, chế biến rơm rạ để phát triển đàn bò cho dân.
Ở miền Trung, các phụ phẩm của ngành trồng trọt như rơm rạ vẫn đốt đầy đồng. Chỉ một việc hướng dẫn, phát động phong trào cho nhân dân ủ chua rơm rạ cho bò ăn nhưng bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn chưa thể làm được, đó là yếu kém của cả hệ thống ngành nông nghiệp, khuyến nông...
Bên cạnh đó, phụ phẩm từ các NM chế biến mía đường, NM chế biến dứa... như bã mía, bã dứa cũng là nguồn thức ăn rất tốt cho bò nếu được chế biến. Tại sao ta không nghĩ tới việc liên kết giữa các vùng nuôi bò tập trung với các NM chế biến nông sản để tạo nguồn thức ăn cho bò?
Cũng về vấn đề liên kết SX, để hình thành được các vùng nuôi bò thịt có tính hàng hóa lớn, nhất định phải có sự vào cuộc của nhà nước nhằm tạo ra sự liên kết giữa các hộ nông dân trong SX và tiêu thụ. Một hộ nông dân nuôi vài ba con bò không thể nào chủ động được tiêu thụ với giá cao, mà phải có liên kết với nhau để vừa hợp tác chung trong việc SX và tìm kiếm nguyên liệu cho bò, vừa liên kết trong tiêu thụ.
Tại các vùng nuôi bò thịt nổi tiếng ở Bình Định như Nhơn Mỹ, Nhơn Hòa, hiện nay đã hình thành được mối liên kết này. DN giết mổ, thương lái khắp cả nước chỉ cần đặt hàng, đúng hẹn là họ đánh xe tải tới chở một lúc hàng trăm con đi tiêu thụ. Nếu không có liên kết, làm sao mỗi hộ nông dân có thể chở một chuyến xe chỉ dăm ba con bò tự đi tiêu thụ?
Trong tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh việc thu hút thúc đẩy các cơ sở, DN giết mổ và chế biến thịt, da, Nhà nước cũng có thể hỗ trợ bằng nhiều chính sách, chẳng hạn như tạo điều kiện thuận lợi, miễn hoàn toàn phí cầu đường khi vận chuyển gia súc trên đường...
Cuối cùng về vấn đề vốn, tiềm lực nông dân miền Trung không phải ai cũng có vốn để mua bò và nuôi bò. Có lẽ Nhà nước phải thiết kế và kêu gọi một dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài nào đó nhằm hỗ trợ với lãi suất thấp và dài hạn cho nông dân, ví dụ như dự án Lifsap hiện nay, lãi suất chỉ 0,1%/năm và thời gian vay tới 30 năm.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng có thể hỗ trợ vốn cho nông dân nuôi bò thông qua việc mua bảo hiểm cho bò giúp nông dân.
“Bình Định, Phú Yên là những tỉnh đã rất thành công trong phát triển đàn bò thịt, họ trồng được cỏ nuôi bò, chẳng lẽ các địa phương khác ở miền Trung đa số đều có cùng điều kiện tự nhiên như Bình Định, Phú Yên lại không trồng được? Chẳng cần đâu xa, các nhà quản lí, các địa phương khác có thể tìm hiểu và rút kinh nghiệm xem họ đã giải quyết các bài toán khó khăn về thức ăn, vốn, giống, thị trường... ra sao để áp dụng cho việc phát triển đàn bò ở địa phương mình” – ông Lê Bá Lịch |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn