Sử dụng máy sục khí công nghệ nano để làm sạch sông Tô Lịch
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành cho biết, trước buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với phía Nhật Bản, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với đoàn chuyên gia để nghe giới thiệu và có ý kiến đánh giá ban đầu về tính khả thi của công nghệ Nhật Bản trong việc làm sạch các thủy vực bị ô nhiễm.
Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano, sử dụng vật liệu thiên nhiên. Công nghệ này đã có bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản và cũng đã được thử nghiệm tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
Tuy vậy, để có kết quả rõ hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thống nhất với phía Nhật Bản và đơn vị thi công để tiến hành thử nghiệm làm sạch một đoạn ngắn sông Tô Lịch. Kết quả thử nghiệm sẽ là cơ sở để xem xét, đánh giá công nghệ nêu trên.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội sẽ giám sát, đánh giá các hoạt động thử nghiệm, xử lý trên địa bàn thành phố. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp để đánh giá.
Trước tiên, phía Nhật Bản sẽ tài trợ xử lý miễn phí trong quá trình thí điểm. Nếu thử nghiệm thành công và tiếp tục sử dụng công nghệ của Nhật Bản, thì TP Hà Nội sẽ phải trả kinh phí. Tuy nhiên, việc lập dự án xử lý ô nhiễm môi trường nước, lựa chọn công nghệ, nhà thầu… sẽ phải tuân thủ quy trình theo đúng quy định của pháp luật.
“Trong xử lý ô nhiễm môi trường, căn cốt vẫn phải làm sao xử lý được nguồn thải chất ô nhiễm, các biện pháp khác chỉ là nhất thời. Để xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, cần phải có giải pháp căn cốt hơn” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Giải pháp làm sạch sông Tô Lịch của chuyên gia Nhật chỉ là tạm thời
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) Lê Công Thành cho biết, đề xuất hỗ trợ giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch của phía Nhật Bản chỉ là tạm thời và vẫn cần kiểm chứng tính hiệu quả.
Ông Thành cho biết công nghệ phía Nhật đem sang Việt Nam để đề xuất xử lý mùi, ô nhiễm ở sông Tô Lịch là công nghệ nano, thân thiện với môi trường, đã được cấp bằng sáng chế ở Nhật.
"Tất nhiên đây mới là thử nghiệm, Bộ TNMT đã giao cho các đơn vị theo dõi và đánh giá kết quả thử nghiệm, lấy đó làm cơ sở để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của công nghệ này", ông Thành phát biểu.
Tuy nhiên, đai diện Bộ TNMT tái khẳng định sông Tô Lịch bắt buộc phải được giải quyết từ nguồn gây ô nhiễm, các nguồn xả thải từ nước sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân tại Hà Nội.
"Xử lý căn cốt vẫn phải là xử lý tại nguồn xả thải vào lòng sông, các biện pháp khác cũng chỉ là những biện pháp nhất thời. Vấn đề này cần những giải pháp căn cốt hơn", Thứ trưởng Bộ TNMT nêu ý kiến.
Trước đó, ngày 11/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Liên Hợp Quốc do ông Tadashi Yamamura dẫn đầu. Tại đây, chuyên gia người Nhật đã đề xuất tài trợ Việt Nam trong xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch và Hồ Tây bằng công nghệ mới của Nhật.
Theo đó, phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông. Đây là công nghệ bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh.
Vị chuyên gia Nhật Bản cho biết với công nghệ này, chỉ sau 3 ngày thì mùi khó chịu từ lòng sông sẽ giảm đáng kể. Thiết bị xử lý ô nhiễm của Nhật này là máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên.
Ngoài công nghệ của Nhật Bản, Hà Nội cũng từng đề xuất sử dụng nước sông Hồng để thau rửa, làm sạch nguồn nước của sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đề xuất này của Hà Nội cũng nhận nhiều hoài nghi và băn khoăn của các nhà khoa học. Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp này có thể thực hiện được dễ dàng, những chỉ giải quyết được phần ngọn, không bền vững.
Tranh cãi trái chiều về việc làm sạch sông Tô Lịch
Để giải quyết bài toán ô nhiễm sông Tô Lịch, có rất nhiều đề xuất được đưa ra trong thời gian gần đây. Trong đó, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã đưa ra đề xuất lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch. Đây là nội dung nằm trong dự án "Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" mà đơn vị vừa trình lên UBND TP Hà Nội.
Theo đại diện Công ty này cho biết, Hồ Tây cũng đang ô nhiễm, trong khi không có nước lưu thông, vì vậy cần phải cải tạo nguồn nước để phát triển hệ thuỷ sinh trong lòng hồ. Công ty sẽ lắp đặt một trạm bơm chìm với công suất cấp nước 156.000 m3mỗi ngày đêm dẫn vào Hồ Tây. Sau khi nước Hồ Tây được cải thiện bằng nước sông Hồng, Công ty này sẽ tiếp tục điều tiết nước từ hồ qua hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa và làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông. Trước đó vào năm 2018 đơn vị này cũng đã từng thủ nghiệm thành công làm sạch sông Tô Lịch, tuy nhiên cũng chỉ được thời gian ngăn do quy mô ở mức hạn chế.
TS. Lê Ngọc Thuấn, giảng viên khoa môi trường, trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết: "Tôi đánh giá đây là một biện pháp mang tính tạm thời, cũng giải quyết được vấn đề trước mắt cho dòng sông".
"Đây chỉ là ý tưởng tôi cho rằng mang chất thơ nhiều hơn là thực tế, chưa giải quyết tận gốc vấn đề, các nguồn gốc gây ô nhiễm sông Tô Lịch này cần được xử lý", GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường phân tích thêm.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Toàn tuyến sông này có hơn 200 cống xả nước thải. Các chuyên gia cùng đồng tình cho rằng việc cần làm trước tiên vẫn là phải xử lý được nguồn nước thải đổ trực tiếp xuống lòng sông gây ô nhiễm.
Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề của sông Tô Lịch, cũng đã có rất nhiều đề xuất cũng như dự án được đưa ra để cải tạo làm sạch thế nhưng tất cả mới chỉ trên lý thuyết và những cuộc tranh luận vẫn tiếp tục diễn ra. Có lẽ, thời điểm sông Tô Lịch được làm sạch sẽ vẫn còn là một giấc mơ xa vời.