Sau gần 2 năm thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (NLN), việc xác định, lựa chọn mô hình cho nhóm đối tượng DN này vẫn còn khá lúng túng.
Nhiều khó khăn
Nghị định 118 ra đời nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị với mục tiêu tiếp tục mang lại nhiều đổi mới cho hoạt động của các nông, lâm trường quốc doanh sau khi đã chuyển đổi sang hình thức công ty và hoạt động theo Luật DN. Đồng thời góp phần quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng và xây dựng các công ty NLN trở thành trung tâm liên kết sản xuất với Nhân dân trong vùng. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước có 254 công ty NLN thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới. Qua gần 2 năm triển khai, tính đến hết tháng 6/2016, Bộ NN&PTNT đã thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 243 công ty. Hoạt động sản xuất tại Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quang Thiện |
Trong số các mô hình sắp xếp, chủ yếu các công ty NLN chuyển sang hình thức công ty cổ phần (40%). Điều đáng nói là theo kết quả thẩm định phương án tổng thể do Bộ NN&PTNT công bố, có tới trên 30 công ty phải giải thể hoặc chưa xác định được mô hình hoạt động. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, nhiều địa phương khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sắp xếp, đổi mới, nhất là về tiêu chí để lựa chọn đối tác trong mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Hoạt động của các công ty cũng còn yếu kém khi mà khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 1.000 tỷ đồng và số dư nợ ngân hàng gần 6.400 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm khoảng 0,6%.
Phản ánh của nhiều công ty và địa phương cho thấy, việc sắp xếp, đổi mới các công ty NLN gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến giải quyết đất đai, lao động và tài sản trên đất. Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, còn 5% diện tích đất của Tập đoàn đang thuộc diện tranh chấp với người dân nhưng rất khó giải quyết. Còn ở phía địa phương, đại diện tỉnh Đắk Nông cho hay, việc cổ phần hóa các công ty NLN chậm do hoạt động thua lỗ kéo dài, giá cổ phần thấp trong khi phương án sản xuất còn lúng túng.
Tích cực tháo gỡ
Nghị định 118 đã xác định rõ, nguyên tắc sắp xếp, đổi mới công ty NLN phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nền kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, công ty và người lao động. Trước thực trạng tiến độ và chất lượng sắp xếp còn nhiều hạn chế, Bộ NN&PTNT đã đề ra mục tiêu triển khai quyết liệt, đồng bộ việc sắp xếp các công ty NLN theo đúng phương án tổng thể, đề án được phê duyệt, cơ bản hoàn thành chậm nhất vào quý II/2017. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các bộ, ngành cần phải tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho các công ty cũng như địa phương.
Đơn cử, về kinh phí đo đạc rà soát, cắm mốc ranh giới đất đai, với nhu cầu kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, Chính phủ mới bố trí được 450 tỷ đồng, trong khi một số địa phương không có nguồn thu để bù đắp 30% kinh phí đối ứng. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, đối với số kinh phí còn lại, Bộ đã có công văn đề nghị các địa phương tạm ứng trước và ngân sách T.Ư sẽ cấp bù. Tuy nhiên, quá trình đo đạc phải đảm bảo chất lượng, phục vụ ngay việc sắp xếp, đổi mới các công ty NLN, tránh tình trạng xin kinh phí đo lại nhiều lần.
Cùng với Bộ Tài chính, một số bộ, ngành cũng đang tập trung các giải pháp gỡ khó cho công tác sắp xếp, đổi mới công ty NLN. Đơn cử, Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Chính sách đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng; thu hút và khuyến khích đầu tư; đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty NLN trong tháng 8/2016. Bộ NN&PTNT cũng sẽ hướng dẫn cơ chế hợp đồng, thanh toán đối với các công ty NLN thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích… Quang Thiện
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn