Đến nay Hà Nội được ghi nhận là địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với 294 xã, chiếm hơn 76,1% tổng số xã và 4 huyện, chiếm hơn 22,2% tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Có thể khẳng định, việc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương của Thủ đô đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, được người dân hưởng ứng mạnh mẽ.
Hơn thế, bằng cách làm đồng bộ, trách nhiệm, sáng tạo, thu hút được chính người dân địa phương tham gia góp sức, góp của, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội đã đi vào thực chất, mà không mang tính hình thức.
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần cũng được các địa phương rất quan tâm; đi đôi với đó, các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt, kịp thời tuyên truyền vận động, động viên các cá nhân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương tiếp tục duy trì kết quả và xây dựng nông thôn mới nâng cao; điển hình như phong trào "Đường có hoa, nhà có số, phố có tên" của các huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên...
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, nhiều địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn đều lúng túng trong việc chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Thậm chí, một số nơi tự tìm tòi nghiên cứu các tiêu chí nâng cao trên cơ sở thực tiễn, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ thành phố cũng như trung ương.
Những vướng mắc đó sẽ được giải quyết khi mới đây UBND TP Hà Nội ban hành bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2018-2020. Trong đó, các tiêu chí được đánh giá cao hơn so với bộ Tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới, với những quy định rõ ràng như: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%; thu nhập bình quân đầu người phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với quy định của TP Hà Nội tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Bộ tiêu chí này được coi là “thước đo” để các địa phương thực hiện các giải pháp thiết thực nâng cao đời sống của người dân. Trên cơ sở các tiêu chí mới nâng cao, các xã, huyện phải có kế hoạch chi tiết về nguồn lực, đầu tư, triển khai để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, với những xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, để phấn đấu “cán đích”, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, phải cố gắng gấp đôi các xã, huyện đi trước.
Cũng từ những tiêu chí mới, các địa phương tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô tập trung và vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ của trung ương và thành phố để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn điển hình tiên tiến bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội...
Chất lượng các tiêu chí được nâng lên chính là để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn là nâng tầm cho các vùng nông thôn. Đây là quá trình phấn đấu khó khăn, nên đòi hỏi các địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân; đặc biệt là về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới trên địa bàn Thủ đô. Tất cả vì sự khởi sắc của các vùng quê và nâng cao đời sống của người dân là mục tiêu không có điểm dừng.
Duy Biên/ Hà Nội mới