Sau chôm chôm, thanh long, vừa qua Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý cho ta xuất khẩu vải, nhãn sang Mỹ. Ông có đánh giá như thế nào về điều này?
- Nước ta có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng và phát triển các chủng loại cây ăn quả nhiệt đới và á nhiệt đới như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải… Trên thế giới chỉ có một số nước và vùng lãnh thổ trồng nhiều nhãn, vải là Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan. Riêng tại nước ta, diện tích trồng 2 loại cây này đã đạt vài trăm ngàn ha và có những giống chất lượng tốt như vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, nhãn lồng, nhãn xuồng cơm vàng… nên rất có tiềm năng xuất khẩu.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích nhãn, vải của nước ta là các giống chín chính vụ, vì vậy tới đây, để phục vụ công tác xuất khẩu, cụ thể là sang Mỹ, chúng ta cần nâng cao tỷ lệ diện tích các giống vải chín sớm, nhãn chín muộn để giảm bớt áp lực về công lao động, thu hoạch... Công tác BVTV cũng cần tập trung theo hướng phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; sử dụng thuốc BVTV sinh học; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Cây vải thiều chủ yếu phân bố ở miền Bắc, còn nhãn phân bố cả nước, vậy theo ông có cần khoanh vùng để phát triển không?
- Ngoài trồng tập trung ở một số tỉnh phía Bắc, mấy năm gần đây cây vải đã được đưa vào trồng ở Tây Nguyên và cho năng suất, chất lượng không kém gì vải ở các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, khi sản xuất vải cho xuất khẩu, chúng ta chỉ nên tập trung ở một số tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất như Hải Dương, Bắc Giang chứ không nên phát triển dàn trải, ồ ạt, dễ dẫn đến thừa và khó quản lý. Còn với cây nhãn, ở miền Bắc nên tập trung phát triển các vùng nhãn xuất khẩu ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hưng Yên, Sơn La; miền Nam là Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang.
Những năm gần đây, một số địa phương đã bắt đầu trồng nhãn chín muộn, chất lượng và giá trị kinh tế khá cao. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu giống nhãn này?
-Sử dụng cho xuất khẩu, trước mắt chúng ta nên tập trung vào giống nhãn chín chính vụ. Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu rau quả cũng đã tuyển chọn được một số giống nhãn chín muộn như PHM99.1.1, HTM1 và HTM2. Trong đó, giống HTM1 có chất lượng quả gần tương tự giống nhãn Ido của Thái Lan, có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Do đó, tôi cho rằng đây cũng là một thế mạnh cần tận dụng khai thác nhờ lợi thế về sự khan hiếm, trái vụ.
Như ông khẳng định, việc Mỹ mở cửa cho nhãn, vải là cơ hội tốt, vậy người dân cần chuẩn bị những gì để tận dụng triệt để cơ hội này?
- Theo tôi, người trồng nhãn, vải cần ý thức được rằng đây là cơ hội tốt cần nắm bắt, song họ cũng có những yêu cầu hết sức khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là về an toàn thực phẩm. Theo đó, bà con cần đổi mới phương thức sản xuất, trước hết là hình thành các mô hình sản xuất liên kết như HTX hoặc các nhóm nông dân cùng sở thích để tổ chức sản xuất hàng hóa. Trong quá trình sản xuất, phải áp dụng các quy trình sản xuất an toàn như VietGAP hoặc GlobalGAP; áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, đặc biệt là sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để tạo sản phẩm an toàn.
Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu vùng, chỉ dẫn địa lý cho vải, nhãn sẽ rất có lợi cho việc xuất khẩu, khẳng định thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet.vn