Thực hiện tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp, Tỉnh ủy Sơn La đã có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Để thực hiện chủ trương này, Đảng bộ các địa phương đã ban hành các Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo từng vùng, chọn loại cây trồng chủ lực. Trước hết trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cho trồng lúa, ngô và sắn kém hiệu quả.
Sau gần 5 năm triển khai, có thể nói, chưa bao giờ nông nghiệp Sơn La lại có bước khởi sắc như hiện nay khi sản phẩm trái cây của địa phương đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính; hàng ngàn nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số trở thành triệu phú, tỷ phú.
Nhóm phóng viên CQTT VOV khu vực Tây Bắc phản ánh thực tế tại các địa phương của tỉnh Sơn La qua loạt bài: “Nông nghiệp Sơn La: Bội thu nhờ chủ trương đúng”.
Trong ngôi nhà hai tầng khang trang mới xây của anh Hà Văn Tiền, Phó bí thư Chi bộ bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La hôm nay chi ủy Chi bộ có cuộc hội ý nhanh về việc vận động bà con tiếp tục mở rộng toàn bộ diện tích đất trồng xoài da xanh và nhãn trên đất dốc.
Ý kiến của Bí thư chi bộ Hà Văn Hòa được các đảng viên Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, nơi đầu mối liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn, xoài cho bà con trong bản Văng Lùng và cả huyện Yên Châu đồng tình.
Từ khi thành lập vào năm 2017, hợp tác xã cũng như bản thân giám đốc Hà Văn Sơn đã tích cực hướng dẫn bà con ghép, cải tạo vườn xoài. Vốn gắn bó với cây xoài địa phương và cây ngô bao đời nay, khi bản chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, chủ lực là giống xoài da xanh và nhãn ghép, bà con người Thái ở đây đã nghi ngờ việc trồng cây trên đất dốc sẽ không cho trái.
Là một đảng viên, ông Sơn đã vận động mọi người tham gia thành lập Hợp tác xã. Với diện tích 27 ha và 7 thành viên trong bản, sản phẩm xoài, nhãn trồng theo hướng Vietgap đã vươn ra thị trường thế giới. Vụ vừa qua đã xuất khẩu được 17 tấn sang Australia, Trung Quốc, giá trị đạt hơn 2 tỷ đồng.
“Theo chủ trương của Đảng, chi bộ đề ra, Hợp tác xã đồng hành cùng với chi bộ Đảng và chính quyền của thôn cùng với các cơ quan, ban ngành cố gắng thực hiện tốt chủ trương đó”, ông Sơn nói.
Cùng với Yên Châu, mỗi chi Bộ, đảng bộ cơ sở ở Sơn La đều tìm cho mình cách làm phù hợp với địa bàn để chủ trương này đi vào cuộc sống. Theo “Chương trình ngày thứ 7 về cơ sở” của Huyện ủy Mai Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sung Nguyễn Khắc Hào chăm chú hướng dẫn bà con người Thái, người Mông cải tạo vườn tạp, thay cây ngô, lúa trên đất dốc bằng xoài, nhãn, chanh leo. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, Bí thư xã luôn trăn trở, làm sao bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, mong bà con trồng cây ăn quả.
Nhà ông Mùa A Chớ ở bản Co Hát, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn bây giờ đã trồng được 230 cây nhãn và cây xoài trên đất nương trồng ngô. Cây xoài ghép ở vườn nhà 1 năm trước đã có trái to bằng bắp chuối. Ông Chớ bảo, xoài ăn ngọt lịm và rất thơm, ít nữa nương kia được thu hái ông sẽ bảo con trai mang ra chợ bán vì một quả xoài ít nhất cũng được 15.000 đồng/kg. “Gia đình được xã quan tâm, khuyến khích trồng cây ăn quả nên cố gắng làm, mình già rồi chỉ giúp được chút ít, chủ yếu con trai và con dâu làm”, ông Mùa A Chớ chia sẻ.
Bí thư chi bộ bản Co Hát - Mùa A Dế cũng là một người Mông cho biết, bà con ở đây từ trước đến nay chưa bao giờ biết đến chiết ghép cây xoài, nhưng có cán bộ khuyến nông, cán bộ xã đến vận động, hướng dẫn, cộng thêm được nhìn thấy trái xoài ghép to gấp 4 - 5 lần giống cũ nên nhà nào cũng phấn khởi.
“Tỉnh có chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng là rất phù hợp, giúp ích được nhiều cho nhân dân. Vừa qua, cả bản Co Hát được hỗ trợ 12 ha giống cây ăn quả, gia đình may mắn được hỗ trợ giống cây nhãn và cây xoài trồng trên đất dốc”, ông Mùa A Dế cho biết,
Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La nhận xét, việc Đảng bộ các địa phương đã ban hành Nghị quyết, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo từng vùng, chọn loại cây trồng chủ lực là cú hích ngoạn mục để đưa lĩnh vực trồng trọt của Sơn La có bước tiến vượt bậc. Trước đây, nhiệm vụ này được xem là việc của ngành nông nghiệp thì nay đã khác.
“Thời gian qua cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tham gia vào chương trình này, tạo ra sức mạnh phi thường. Với quyết tâm chính trị đó đã tạo ra sự thôi thúc, tìm tòi sáng tạo của các địa phương trong thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo từng vùng, chọn loại cây trồng chủ lực”, ông Nghị khẳng định.
Tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp được xác định phải mất nhiều thời gian để các huyện miền núi Sơn La theo kịp miền xuôi, nhưng thực tế những Nghị quyết và việc làm cụ thể ấy đã tạo ra sức mạnh phi thường trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương đồi dốc ở tỉnh miền núi này.
Việc cấp ủy đồng hành vào cuộc cùng nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, cải tạo vườn tạp bước đầu cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tái cơ cấu ngành trồng trọt của Sơn La. Thay đổi nếp nghĩ cách làm trong phát triển kinh tế, mạnh dạn đưa cây trồng mới thay thế cây ngô, cây sắn vốn gắn bó bao đời đã minh chứng cho điều này./.
Tác giả bài viết: Tuyết Lan-Thanh Thủy-Thu Thùy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn