Thông tin trên được ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết và khẳng định điều đó ảnh hưởng lớn đến nước tưới cho vụ sản xuất Hè -Thu.
Hồ chứa nước La Ngà ở huyện Vĩnh Linh không còn đủ nước để tưới tự chảy
Trong đó đáng chú ý các hồ lớn như: Hồ Nghĩa Hy chỉ đạt 58,8%, Đá Mài 60,6%, Tân Kim 33,71%, Trúc Kinh 52,57%, Kinh Môn 54,9%, La Ngà 44,7%, Bảo Đài 67,47, nguy cơ tiếp tục giảm nhanh thời gian đến do nắng nóng và gió mùa Tây Nam xuất hiện mạnh trong vụ Hè Thu 2019.
Theo ông Hưng, qua rà soát, cân đối nguồn nước tưới cho thấy, vụ Hè Thu năm nay toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 23.382 ha ruộng sản xuất lúa, trong đó có 13.190 ha chủ động nước tưới, 8.633 ha đủ nước tưới nhưng cần các biện pháp bơm, tưới hỗ trợ và dự báo có gần 1.600 ha lúa bị thiếu nước sản xuất, sản xuất kém hiệu quả hoặc không thể sản xuất do không có nước tưới và cần phải chuyển đổi.
Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã chủ động phối hợp cùng với các địa phương rà soát quy hoạch, xây dựng phương án tổ chức sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau: Đối với diện tích đảm bảo tưới thì phải tập trung cơ cấu 100% sử dụng bộ giống lúa ngắn ngày, cực ngắn, chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở các địa phương, mở rộng diện tích sản xuất trên cánh đồng lớn “cùng 1 giống, 1 thời vụ, 1 quy trình canh tác”, áp dụng đồng bộ các biện pháp IPM, ICM, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng các biện pháp tưới luân phiên, tưới tiết kiệm vào sản xuất.
Đối với diện tích đủ nước nhưng phải bơm tưới hỗ trợ thì phải có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, xây dựng các phương án bơm tưới cụ thể, đảm bảo cấp nước vào các giai đoạn sinh trưởng phát triển nhạy cảm của cây lúa. Đối với diện tích không đảm bảo nước tưới gần 1.600 ha thì cần có phương án chuyển đổi sản xuất sang cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như trồng đậu xanh, ngô, lạc...
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị có chính sách hỗ trợ giá giống và kinh phí làm đất chuyển đổi để khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do khô hạn.
Một biện pháp tích cực nữa là xây dựng phương án chống hạn vụ Hè -Thu 2019, chủ động mọi phương tiện, nhân lực để chống hạn khi cần thiết kể cả cây lúa và các cây công nghiệp dài ngày như: Hồ tiêu, cà phê và các loại cây ăn quả.
Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới hoặc đất sản xuất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng cạn nhằm tuyên truyền vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân trong điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn