14:34 EDT Thứ bảy, 27/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Ngày Xuân nói chuyện lúa xuân

Thứ ba - 24/02/2015 02:48
Trước đây, nông dân ở Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc thường gieo cấy 2 vụ lúa: vụ lúa chiêm và vụ lúa mùa. Vào những năm 1960, lúa xuân nhen nhóm ra đời. Vài thập kỷ sau, lúa xuân đã trở thành vụ lúa chính ở miền Bắc. Lúa xuân được gieo cấy sau tiết Lập xuân.

Vụ lúa chiêm thường cấy xong trước Tết âm lịch (bằng giống lúa cao cây dài ngày (210 ngày), chịu phân kém, dễ bị lốp đổ. Ông cha ta đặt tên là lúa chiêm vì giống này có nguồn gốc của người Chiêm Thành. Lúa cấy vào mùa đông giá rét nên chậm bén rễ hồi xanh. Vào năm rét, mạ chết hàng loạt; còn năm ấm, mạ già, mạ ống, lúa đẻ ít khiến số bông trên khóm không nhiều, năng suất thấp, chỉ khoảng 2 tấn/ha.

Vụ lúa chiêm có lịch sử trên 2.000 năm, kinh nghiệm sản xuất vụ chiêm đã đúc kết thành ca dao tục ngữ như: “Lúa cấy tháng Chạp đạp không đổ” hay “Đói thì ăn củ, ăn khoai, chớ thấy lúa trổ tháng 2 mà mừng”, “Lúa trổ t­­hanh minh thì vinh cả xã, lúa trổ lập hạ buồn bã cả thôn”, có nghĩa là lúa chiêm trổ vào đợt nóng thì mất mùa. Có thể nói, sản xuất vụ chiêm truyền thống rất khó đạt năng suất cao.

Đấy là chưa nói vào thời kỳ thu hoạch, gặp năm mùa mưa đến sớm, ở các vùng úng trũng lúa thường bị ngập sâu, nhiều khi lúa chưa chín đã phải gặt với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Hiểu được thực trạng trên, GS.Bùi Huy Đáp cùng một số nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm đã đi sâu nghiên cứu sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nghiên cứu bản chất phản ứng ánh sáng và nhiệt độ của các giống lúa chiêm, mùa, đồng thời tổ chức thực nghiệm trên đồng ruộng về khả năng làm 1 vụ lúa mới, để thay thế cho vụ chiêm nhằm né tránh rủi ro do thời tiết, nâng cao năng suất lúa, góp phần giải quyết nạn thiếu lương thực ở miền Bắc.

Theo GS.Bùi Huy Đáp, việc chuyển đổi vụ lúa chiêm sang lúa xuân là cả một câu chuyện dài, như một cuộc cách mạng trong khoa học kỹ thuật đổi mới tư duy, thậm chí không ít lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Ban nông nghiệp Trung ương lúc đó còn do dự. Có đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nói:  “Làm lúa chiêm tuy chậm mà chắc như đi xe đạp; còn làm lúa xuân thì như đi ô tô, tuy nhanh  nhưng dễ gặp tai nạn”.

Lúc đầu, các tỉnh Hà Tây, Nam Hà (cũ) và Thái Bình đều không mặn mà làm lúa xuân, thậm chí tỉnh Vĩnh Phúc còn ra nghị quyết: “Cấm làm lúa xuân trong tỉnh”. Trong số cán bộ kỹ thuật ở cấp Trung ương  cũng có một số người kiên quyết và bền bỉ chống lúa xuân ngay cả khi mô hình đã thành công ở một số địa phương. Lý do chính là, vào giai đoạn đó chưa có nhiều giống lúa ngắn ngày, chưa có tiến bộ kỹ thuật về làm mạ sân che phủ chống rét, mạ xuân vẫn bị chết rét nhiều. Có năm các trà cấy lúa chiêm đã xanh tốt còn trà cấy  lúa xuân ruộng đã đổ ải mà không có mạ (vụ xuân năm 1966 - 1967).

Trong hoàn cảnh trên, GS.Bùi Huy Đáp chợt nhớ đến lời của nhà bác học Nga Timiriazep:“Đưa ra một ý tưởng hay chưa đủ mà phải biến ý tưởng ấy thành hiện thực không ai chối cãi được”. Theo tinh thần đó, giáo sư càng quyết  biến lúa xuân thành hiện thực và đặt ra một chương trình thử nghiệm trên diện rộng. Ngay vụ xuân năm sau, ông đã về làm việc với Tỉnh ủy, UBND  tỉnh Nam Hà, đề nghị địa phương cho phép thực nghiệm làm lúa xuân trên phạm vị 30% diện tích ở HTX Hồng Thắng, huyện Hải Hậu. Vụ này mặc dù trời rét đậm kéo dài, trên miền núi có tuyết nhưng kết quả vụ lúa xuân vẫn thắng lớn, năng suất lúa của HTX  Hồng Thắng dẫn đầu các HTX trong tỉnh. Năm tiếp theo, HTX này tăng diện tích lúa xuân lên 60% diện tích lúa. Thái Bình cùng làm thực nghiệm lúa xuân ở HTX Tân Hưng Hòa trên quy mô 50% diện tích lúa đông xuân và cũng thành công rực rỡ.

Về thăm Thái Bình vào dịp thu hoạch lúa xuân, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người tích cực ủng hộ lúa xuân đã nói: “Lúa chiêm đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó, đã đến lúc cho nó nghỉ và nhường chỗ cho lúa xuân”. Phát biểu của Thủ tướng đã động viên nông dân Thái Bình mở rộng diện tích lúa xuân và đến năm 1970, Thái Bình đã cơ bản bỏ hẳn lúa chiêm. Vài năm sau, diện tích lúa xuân đã chiếm đến 60% diện tích lúa đông xuân ở miền Bắc.

Cũng phải nói rằng, trong thời kỳ này, Nhà nước ta vẫn duy trì cơ chế quản lý HTX theo kiểu cũ, nông dân đi làm đồng theo tiếng kẻng, HTX thực hiện “rong công chấm điểm”, nông dân không gắn bó với sản xuất, khiến lúa xuân chưa phát huy hết tiềm lực. Chỉ từ khi có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (năm 1981) và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1986) thực hiện khoán sản phẩm đến hộ và người lao động thì sản xuất nông nghiệp mới tăng tốc. Năng suất lúa xuân cao dần, vượt hẳn năng suất lúa mùa.

 Nhưng vụ xuân năm 1990 -1991, do gặp năm ấm, lúa trổ quá sớm, “bông bạc” trắng cả cánh đồng các HTX ở Đồng bằng sông Hồng. Để có một vụ đông xuân ở Đồng bằng Bắc Bộ ổn định và vững chắc, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã lập một nhóm chuyên gia, dưới sự chủ trì của cố GS.Viện sỹ Đào Thế Tuấn với nhiệm vụ tổng kết sự biến động của thời tiết vụ đông xuân trong 30 năm, từ 1956 - 1991 để tìm ra quy luật biến động. Nhóm chuyên gia nhận thấy: Nhiệt độ vụ đông xuân biến động qua các năm tương đối lớn, nhất là vào các tháng 1, 2 và tháng 12. Hệ số biến động của các tháng này  là 8 - 11%, trong khi các tháng mùa hè chỉ 2%. Do nhiệt độ các tháng lạnh biến động cao nên mùa đông có nhiều kiểu thời tiết khác nhau. Nếu chia  nhiệt độ ra 3 cấp: ấm, trung bình và rét thì số năm rét chiếm 27,8%, năm trung bình 47,2%, năm ấm 25%.  Có 4 kiểu năm rét khác nhau tùy theo tháng rét vào tháng nào, phổ biến nhất là rét vào tháng 1 và tháng 2. Nếu lấy năm rét và năm ấm từng thập kỷ thì thấy nhiệt độ tháng 1 và 2 có chiều hướng ấm lên, trái lại nhiệt độ tháng 4 có chiều hướng giảm xuống. Khuynh hướng này cần được lưu ý để bố trí thời vụ. Các đợt rét có thể hại mạ xảy ra nhiều nhất từ hạ tuần tháng 1 đến trung tuần tháng 2. Còn với thời kỳ lúa trổ, số đợt lạnh có thể hại lúa nằm trong tháng 4 rất cao, đặc biệt là 2 tuần đầu, tuy vậy vẫn có khả năng có rét cả tuần đầu tháng 5. Muốn có an toàn cao phải cho lúa trổ vào trung tuần tháng 5, thời gian này số ngày nóng có thể gây hạt lép chưa nhiều.

Kết luận của nhóm chuyên gia là: Để có vụ lúa xuân ổn định và vững chắc, yêu cầu thứ nhất là, bố trí cho lúa trổ vào đầu hoặc giữa tháng 5; yêu cầu thứ 2; từ mốc lúa trổ, căn cứ vào thời gian sinh trưởng của các giống bố trí các trà gieo mạ hợp lý, tránh cho mạ chết rét nếu gặp lạnh; mạ không bị ống và trổ sớm nếu gặp ấm.

Dựa vào 2 yêu cầu trên phải bố trí cơ cấu giống và thời vụ thành nhiều trà. Trà xuân sớm, xuân chính vụ và xuân muộn. Nhờ vào tiến bộ kỹ thuật về giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng không quá 4 tháng (110 – 115 ngày) cùng với các tiến bộ kỹ thuật về làm mạ, chống rét cho mạ và các tiến bộ kỹ thuật thâm canh khác, xu hướng trà xuân sớm, xuân chính vụ giảm dần, trà xuân muộn tăng dần và đạt tới 87% ở vụ xuân 2003 -2004. Đến nay, vụ xuân đã khẳng định được vị thế và trở thành vụ lúa chính ở miền Bắc.

Có thể nói, nghiên cứu đúc kết, đề xuất  chuyển vụ lúa chiêm sang vụ lúa xuân là một thành tựu to lớn của khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam ở thế kỷ 20, nó không những tạo ra vụ lúa năng suất cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực mà còn tạo thêm một vụ đông, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Ngày nay và mãi mãi sau này, khi nói đến vụ lúa xuân, người ta không thể không nhắc đến cống hiến xuất sắc của GS.Bùi Huy Đáp và các cộng sự như GS. Nguyễn Văn Luật, GS.Viện sỹ Đào Thế Tuấn, GS. Nguyễn Hữu Nghĩa, KS.Nguyễn Trọng Thịnh...Với thành tích trên, GS. Bùi Huy Đáp đã được Chủ tịch nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên và ông xứng đáng được tôn vinh là: “Cha đẻ của lúa xuân Việt Nam”. 

GS.TS  Ngô Thế Dân
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: vụ lúa, lúa xuân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 263

Máy chủ tìm kiếm : 23

Khách viếng thăm : 240


Hôm nayHôm nay : 64662

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1137466

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60145789