Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã trình bày dự thảo Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh; nâng cao năng lực, quy mô và chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới; từng bước nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và thị trường lao động có tay nghề cao.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Thông trình bày dự thảo Nghị quyết Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016-2020.
Nghị quyết Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020 nhằm hạn chế tái nghèo, tiếp tục tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh và bền vững; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5-2%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 2-3%/năm, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,09%.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Trường: Cần tập trung vào các ngành nghề mang tính đột phá, mũi nhọn để nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, kiến nghị xung quanh một số mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của 2 đề án như: chất lượng, quy mô đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề hiện nay; các giải pháp tuyên truyền, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện đề án...
Phó Giám đốc Sở Tài chính Phùng Thị Nguyệt: Cần phải cân đối lại nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có tính khả thi.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, 2 đề án đã được Sở LĐ-TB&XH chuẩn bị, xây dựng công phu. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo nghề trong thời gian tới, cơ bản phải sáp nhập một số trung tâm dạy nghề và không thành lập mới cơ sở dạy nghề.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH tổng hợp tiếp thu các ý kiến của các ngành, địa phương, phối hợp với các sở ngành liên quan để hoàn chỉnh Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời làm rõ nguồn tài chính huy động thực hiện đề án.
Đối với Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu đưa các xã trong vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường, các xã thường xuyên bị lũ lụt vào phạm vi, đối tượng của đề án; với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của đề án đề ra cần phải điều chỉnh cho hợp lý với tình hình thực tế ở địa phương.
Tác giả: Nam Giang
Nguồn: báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn