Dãy chuồng trại nuôi lợn của gia đình anh Đinh Văn Thời, xóm Nà Luộc, xã Minh Thanh, huyện Nguyên Bình.
Trang trại có diện tích trên 100m2 nằm phía trên sườn đồi, cách xa khu dân cư. Các ô chuồng được thiết kế thoáng mát, sạch sẽ, chia thành từng khu, thuận tiện cho việc chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.
Kể về quá trình gây dựng trại lợn, anh Thời tâm sự: Trước đây cuộc sống gia đình khá vất vả phải trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Sau khi đi xuất khẩu lao động nước ngoài, gom góp được 120 triệu đồng trở về quê hương, anh tìm hiểu rất kỹ về nhu cầu của địa phương. Anh tính: Nếu chỉ làm ruộng bình thường chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu; mặt khác, mấy năm gần đây trong xã làm ruộng cũng rất khó khăn do hạn hán không thể trồng cấy được. Những điều đó đã thôi thúc anh lựa chọn đầu tư chăn nuôi chứ không phải phải mô hình nào khác.
Thực hiện quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, đàn lợn của gia đình anh Thời phát triển tốt, tạo thu nhập ổn định.
Để có thêm kinh nghiệm về mô hình nuôi lợn khép kín, năm 2011 anh Thời quyết định vào trong Thành phố Hồ Chí Minh dành ra cả 1 năm trời chỉ để học hỏi kinh nghiệm nuôi lợn. Và phải đến năm 2014, sau khi vay mượn thêm được ít vốn từ anh em họ hàng, anh bắt tay ngay vào đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, 50 triệu đồng mua con giống. Thức ăn chủ yếu cho lợn đó là cám, ngô, thêm các loại rau sẵn có. Giống lợn nuôi là giống lợn trắng của nước ngoài và lợn đen địa phương. Do nghiêm túc thực hiện quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, qua thời gian chăm sóc, đàn lợn phát triển tốt không bị dịch bệnh.
6 tháng đầu năm 2016, anh xuất bán 1,7 tấn lợn thịt và 60 con lợn con, thu về được 120 triệu đồng. Hiện tại trong chuồng còn gần 30 con. Trong đó có 6 con lợn đen, 2 lợn nái trắng. Anh Thời cũng đang tiến hành lắp 2 bể biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường. Không chỉ dừng lại ở đó, anh cũng đang hướng đến mở rộng thêm trang trại của mình với quy mô nuôi lớn từ 500 - 1.000 con để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài việc phấn đấu phát triển kinh tế, gia đình anh Thời còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi đối với hội viên nông dân và bà con trong xã. Nhiều năm liền gia đình anh đạt gia đình văn hóa.
Cần cù, chịu khó tìm cách làm giàu, mô hình chăn nuôi của anh Thời và quyết tâm làm giàu chính đáng của người nông dân “dám nghĩ và dám làm" này chính là tấm gương sáng cho nhiều người noi theo.
Theo Cao Bằng TV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn