Thành công bước đầu
- Đến nay, nông nghiệp CNC của Vĩnh Phúc đã gặt hái được những thành quả nổi bật nào, thưa ông?
- Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác ngày một tăng, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện, là những thành công lớn của việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp của tỉnh. Các công nghệ trồng rau thủy canh trong nhà lưới; nuôi cấy mô cho hoa lan, cây cảnh; ứng dụng kỹ thuật ghép cây, sản xuất nấm ăn và sử dụng các chế phẩm sinh học; triển khai dự án rau an toàn QSEAP quy mô 220ha với 8 mô hình ở 8 xã, thị trấn đạt sản lượng 2,5 vạn tấn/năm; ứng dụng biện pháp tưới nhỏ giọt cho cây thanh long trên vùng đất đồi theo công nghệ Israel, xây dựng 18 mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính đã được triển khai, áp dụng, bên cạnh đó, đã sử dụng một số công nghệ tiên tiến (các chế phẩm EM, đệm lót sinh học) để xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Thành công lớn nhất là tỉnh đã thu hút được Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phát triển nông nghiệp VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup xây dựng nông trường sản xuất CNC mặt hàng rau quả sạch với diện tích đạt 55ha tại huyện Tam Đảo. VinEco sẽ là doanh nghiệp dẫn đường, định hướng phương thức sản xuất mới, tạo sức hút để các nhà đầu tư, tổ chức, người dân ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Đạt được những thành quả đó, tỉnh đã có cơ chế, chính sách cụ thể như thế nào đối với ngành nông nghiệp, thưa ông?
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ rất sớm. Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng ban hành rất nhiều nghị quyết, mới đây nhất là Nghị quyết 201 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết 202 về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, nhà đầu tư được hỗ trợ 50% chi phí nếu có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi, 70% chi phí đối với dự án đầu tư vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP (không quá 2 tỷ đồng) để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải, giao thông, điện, nước, mua thiết bị, xây dựng nhà lưới và hệ thống thu gom xử lý chất thải... Đối với người dân, khi xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi sẽ được hỗ trợ 50% chi phí (tối đa không quá 5 tỷ đồng), đồng thời hỗ trợ chuyển giao KH - CN, giống vật nuôi, cây trồng, hỗ trợ mua máy nông nghiệp tùy theo hình thức đầu tư sản xuất của nông dân... Những chính sách đó đã tạo điều kiện thuận lợi để DN và người dân mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng CNC trong sản xuất.
Doanh nghiệp tiên phong
- Việc tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư luôn là thách thức trong phát triển nông nghiệp CNC. Xin ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Vĩnh Phúc trong vấn đề này?
- Tôi cho rằng, để nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa, ứng dụng CNC thì phải có vai trò tiên phong của DN. Thực tế, tỉnh cũng đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp như tôi đã nói ở trên. Các DN sẽ được thụ hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh nếu bảo đảm là Dự án nằm trong quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư; cam kết sử dụng 30% lao động của tỉnh; đồng thời, bảo đảm quy mô, quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Việc tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất sạch để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp là khó khăn chung của nhiều địa phương, không riêng Vĩnh Phúc. Tỉnh đã và đang từng bước tuyên truyền, vận động và có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức làm thí điểm dồn điền, đổi thửa; hỗ trợ không quá 100 triệu đồng cho các xã, phường, thị trấn điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp; hỗ trợ tổ chức, cá nhân thuê quyền sử dụng đất quy mô 2ha trở lên đối với miền núi, 3ha đối với vùng còn lại để sản xuất quy mô lớn, thời hạn thuê tối thiểu 10 năm liên tục, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu từ khi thuê đất. Tích tụ đất đai là việc cần làm ngay nhưng phải theo lộ trình, trên tinh thần đặt lợi ích của người dân làm đầu.
- Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ chú trọng những giải pháp nào để đẩy mạnh nông nghiệp CNC, thưa ông?
- Sở NN - PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở KH - CN nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC giúp người dân sản xuất các sản phẩm có giá trị tăng cao hơn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Trên cơ sở những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, ngành nông nghiệp cũng sẽ hỗ trợ để hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp cho chính cư dân nông nghiệp và những người sống bằng nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục chú trọng các phương án xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết với DN tiêu thụ nông sản để bảo đảm đầu ra cho nông dân yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy nông nghiệp CNC của tỉnh phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn