Ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vốn đầu tư công nghệ hiện đại lớn, đầu ra cho sản phẩm khó khăn, quy mô sản xuất manh mún mang tính nông hộ đang đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trong vấn đề này.
|
Ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản. Ảnh: Sơn Hà |
Kết quả rà soát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hiện cả nước có 2.501 mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ, như: Công nghệ tưới nhỏ giọt và dùng nhà kính, nhà lưới trong sản xuất rau an toàn; công nghệ sinh học phục vụ trồng nấm; sản xuất phân bón vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, bã mía, mùn cưa… Tuy nhiên, do bình quân đất đai trên đầu người ở khu vực nông thôn thấp nên sản xuất nông nghiệp còn manh mún. Hiện cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu thửa ruộng nhỏ lẻ. Trước tiến trình hội nhập sâu, rộng, biến đổi khí hậu toàn cầu, nông hộ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Trần Văn Thắng, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, chia sẻ: "Chúng tôi đã đi tham quan nhiều mô hình chăn nuôi bò thịt và giết mổ tập trung tại nhiều nước, dù mong muốn xây dựng được chuỗi chăn nuôi vỗ béo bò thịt kết hợp giết mổ hiện đại, nhưng đụng đâu vướng đó, từ đất đai, hành lang pháp lý đến vốn đầu tư".
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hào cho hay: Hợp tác xã đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu trên quy mô gần 3ha. Mô hình đã nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn do trình độ của hợp tác xã, xã viên hạn chế; mức đầu tư cho 1ha rau với công nghệ cao vượt xa khả năng của hầu hết nông dân.
Để việc ứng dụng khoa học - công nghệ đạt hiệu quả, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Nông hộ cần hướng tới sản xuất theo chuỗi an toàn khép kín, theo nhu cầu thị trường, có điều tra để nắm bắt nhu cầu cũng như sản phẩm người tiêu dùng mong muốn; không thể ứng dụng theo kiểu phong trào. Nông hộ phải tìm được đối tác là các doanh nghiệp hỗ trợ để sản xuất những sản phẩm đặc sản, bảo đảm chất lượng thông qua chuỗi liên kết sản xuất như hợp tác xã, doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy, dù là nông hộ cũng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Gợi mở tháo gỡ về vốn đầu tư cho ứng dụng khoa học - công nghệ, ông Trần Văn Tần, Vụ phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ: Hiện nay, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao được ưu tiên. Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/ 2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó lần đầu tiên có chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có thể cho vay từ 70 đến 80% không phải thế chấp tài sản. Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cũng đưa ra nhiều ưu đãi đặc biệt đối với nhu cầu vay vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo ông Tần, các tổ chức tín dụng luôn hướng tới và mạnh dạn cho vay đối với những khách hàng làm ăn hiệu quả, nông dân cởi mở thông tin với ngân hàng.
Rõ ràng, nếu những khó khăn trên từng bước được tháo gỡ để giúp nông hộ thì việc Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố hình thành các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ không còn xa.