Nhờ có sự đầu tư thích đáng, năm nay nông dân thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) thu hoạch lớn từ rươi.
Cuối tháng 12, theo hướng dẫn của một người quen, chúng tôi tìm đến khu Xuân Viên 1, phường Xuân Sơn, một trong những “địa chỉ đỏ” nổi tiếng nhất nhì về rươi tại Đông Triều.
Mới sáng sớm nhưng chúng tôi đã bắt gặp cảnh rộn ràng khắp cánh đồng, tiếng cười nói, tiếng còi xe vận chuyển rươi ra vào làm huyên náo một vùng. Dịp này đang mùa rươi, người dân chỉ cần khơi bờ ruộng cho dòng nước đầy rươi chảy qua và dùng lưới chặn lại rồi dùng vợt xúc lên đổ vào các chậu, thùng đã để sẵn bờ và lọc cho sạch rơm rạ là có rươi thành phẩm.
Vừa vớt được khoảng 10 kg rươi từ dưới ruộng, chị Nguyễn Thị Chuyên, một người dân khu Xuân Viên, cho biết nhà chị có 3 ha ruộng nuôi, ước tính năm nay thu hoạch hơn 3 tạ rươi, thu về khoảng 200 triệu đồng. Theo chị Chuyên, những năm gần đây, việc “nuôi” và thu hoạch rươi khá dễ dàng và được giá.
“Nhà tôi thu đến đâu là có thương lái đến tận nơi thu mua. Mỗi kg rươi bán được khoảng 500.000 đồng. Nếu được mẻ rươi thân to, có màu đỏ đậm thì bán còn được giá hơn nữa, khoảng 600.000 -700.000 đồng/kg”, chị Chuyên cho biết.
Sang nhà anh Nguyễn Văn Duy, cũng ở khu Xuân Viên, chúng tôi thấy anh đang tất bật đóng các thùng xốp đầy rươi ướp bằng đá lạnh. Anh Duy cho biết, rươi phải ướp đá như này sẽ sống lâu, giúp cho thương lái vận chuyển được xa hơn. Năm nay, gia đình anh Duy phải thuê thêm 5 người đến vớt rươi. Với khoảng 5 tạ rươi sau gần 1 tháng thu hoạch, anh Duy có thu nhập gần 400 triệu đồng.
Theo anh Duy, nhờ nuôi rươi mà hàng chục hộ dân quanh vùng này đổi đời. “Một sào ruộng nuôi rươi thu nhập bằng 6 - 7 sào cấy lúa, mà công việc cũng không nặng nhọc hơn. Chính vì vậy, các hộ dân ở đây ai cũng bảo nhau phải giữ cho được thứ lộc trời này”, anh Duy tâm sự.
Người dân vùng này gọi rươi là “lộc trời” là có lý do. Nhiều người dân ở đây cho biết, nhà nhiều ruộng rươi chưa chắc đã thu được nhiều rươi hơn nhà ruộng ít, vì rươi tự sinh ra, lớn lên trong môi trường tự nhiên, chẳng ai có thể nuôi hay chăm sóc được.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Chúc, một người dân phường Xuân Sơn, cho biết sau mỗi mùa rươi, việc cải tạo đầm có vai trò quyết định đến sản lượng rươi ở mùa tiếp theo. Theo bà Chúc, ruộng nào có độ mùn cao thì ruộng đó càng nhiều rươi. Vì thế, cần tiến hành cải tạo ruộng từ trước vụ sinh sản của rươi (tháng 3 và tháng 9 âm lịch) bằng cách tháo cạn đầm, bắt hết các loại sâu bọ rồi cày lật đất, bón phân chuồng ủ mục và bừa nhiều lần cho đầm phẳng, nhuyễn.
Trong các tháng 4, 5, 8, 9 âm lịch, cần mở cửa cống lấy nước vào đầm để ấu trùng rươi theo nước vào đầm. Mỗi khi con nước thủy triều lên cũng phải lấy nước vào đầm để bổ sung nguồn thức ăn trong tự nhiên cho rươi. Rươi được 6 tháng là có thể thu hoạch.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, từ năm 2010 trở lại đây, khi rươi có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả thành các ao thùng, bờ vùng, đắp hồ để giữ giống và khai thác rươi. Hiện nay, diện tích rươi toàn thị xã là 123 ha, tập trung nhiều nhất ở các phường Xuân Sơn, Kim Sơn, Hưng Đạo,… với sản lượng rươi thu được khoảng hơn 10 tấn/năm.
Ông Bùi Văn Hanh, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, cho biết để giữ vững thương hiệu về sản phẩm rươi trên thị trường, thời gian tới, Đông Triều sẽ tiếp tục khai thác, phát huy thế mạnh từ con rươi. Bên cạnh đó, địa phương sẽ đẩy mạnh đầu tư, kỹ thuật duy trì và mở rộng diện tích khoanh vùng khai thác rươi. Đồng thời cần nhanh chóng xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm rươi Đông Triều; xúc tiến và mở rộng ra các thị trường khác.