13:40 EST Thứ tư, 15/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nông nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

Thứ năm - 26/02/2015 03:47
Vượt qua khó khăn, năm 2014, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 30,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn chưa thật sự phát triển bền vững: khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa hình thành có hiệu quả chuỗi giá trị nông sản, thu nhập của cư dân nông thôn thấp. Hướng tới sự phát triển bền vững, giải pháp nào cho phát triển nông nghiệp nước ta đang là câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà nghiên cứu lý luận, hoạch định chính sách và chỉ đạo thực tiễn.

Nông nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thành tựu trong phát triển nông nghiệp 
Trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp cung cấp sinh kế cho 9,53 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% số dân (60 triệu người), đóng góp 18%-22% GDP cho nền kinh tế và 23%-35% giá trị xuất khẩu. Mặc dù bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, nông nghiệp vẫn là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2013. Năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả nước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013, tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao với 9,5 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh: cà phê tăng 32,2%, hạt điều: 21,1%, hồ tiêu: 34,1%, rau quả: 34,9%, thủy sản: 18%, lâm sản và đồ gỗ: 12,7% và gạo (không kể xuất khẩu tiểu ngạch): 5,3%. Việt Nam đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Trong khi các ngành kinh tế khác còn đang chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện, tăng trưởng ngành đạt tốc độ khá cao. Nếu như trong 2 năm 2012 và 2013, ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 2,6%, thì đến năm 2014, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%, đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Các thách thức cho phát triển nông nghiệp

Thứ nhất, năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp còn thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa đa dạng và lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, xuất khẩu trực tiếp qua con đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù năm 2014, tốc độ tăng trưởng đã hồi phục, nhưng chưa thật sự vững chắc và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân triển khai chậm, chưa thật hiệu quả và bền vững.

Thứ hai, dân số tăng, nhu cầu về nông sản thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Dân số nước ta hiện nay trên 90 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ vào khoảng 100 triệu người. Vì vậy, nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nước ta sẽ tăng lên ít nhất 11% - 12% so với hiện nay. Điều này đòi hỏi nông nghiệp phải phát triển đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, đa dạng hơn về sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. 

Thứ ba, nông nghiệp vẫn chưa giúp nước ta thật sự đạt được an ninh về dinh dưỡng. Người dân ở vùng đặc biệt khó khăn và ở 62 huyện nghèo vẫn còn thiếu đói. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chỉ chú trọng vào an ninh lương thực (bằng việc tập trung giữ vững 3,8 triệu héc-ta lúa), mà chưa có chiến lược bảo đảm an ninh dinh dưỡng (không chỉ lương thực mà còn thực phẩm) cả trong ngắn hạn và dài hạn, chưa coi trọng các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân tới lương thực, thực phẩm như việc làm, đầu tư kết cấu hạ tầng để hệ thống phân phối về lương thực, thực phẩm hoạt động tốt. Sự không an toàn về thực phẩm một phần bắt nguồn từ việc chưa áp dụng tốt bộ quy chuẩn thực hành nông nghiệp và quản lý ở khâu chế biến và lưu thông.

Thứ tư, sức ép về việc làm cho lao động nông thôn ngày một tăng. Do dân số tăng, hằng năm nước ta có thêm ít nhất 1,4 - 1,6 triệu người đến tuổi lao động được bổ sung vào lực lượng lao động, trong đó 0,9 triệu lao động tăng thêm ở khu vực nông nghiệp và nông thôn. Trong khi đó, quỹ đất nông nghiệp tiếp tục suy giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Điều này tạo ra sức ép lớn về việc làm và dòng người di cư từ nông thôn vào thành thị. 

Thứ năm, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp nước ta. Nếu nước biển dâng lên 1 m thì 9 tỉnh của Việt Nam, bao gồm: Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tiền Giang và Cần Thơ sẽ bị ngập từ 24,7% đến 50,1% diện tích trên tổng số 11.475 km2; GDP của cả nước sẽ giảm ít nhất 10%, sản lượng lương thực giảm 12% (5 triệu tấn lúa). Mặt khác, số lượng các cơn bão, sự tàn phá của từng trận bão, thời tiết lạnh và nóng đã xuất hiện một cách bất thường. Dự báo, các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung sẽ bị hạn nhiều hơn; số đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. 

Thứ sáu, tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Điều này gây tác động xấu đến môi trường, làm tăng mức độ ô nhiễm và suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên (rừng đước ven biển, tài nguyên nước ngầm ở Tây nguyên, nguồn lợi hải sản ven bờ, đa dạng sinh học...). Môi trường ở nông thôn chưa được quản lý tốt. Ô nhiễm nước thải, khí thải ở các khu công nghiệp, làng nghề đang trực tiếp làm suy thoái môi trường, gây nguy hiểm cho sinh kế bền vững của người dân và cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Để phát triển bền vững nền nông nghiệp, trong năm 2015 và những năm tới, cần thực hiện một số mục tiêu và giải pháp đột phá sau đây:

Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp cần tập trung mạnh vào tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu; đầu tư phát triển nhân lực trong nông nghiệp. 

Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; có cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp, hình thành cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Xây dựng môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. 

Thứ hai, thực hiện quy hoạch nông nghiệp theo hướng dựa vào thị trường mở, không nên cố định diện tích lúa, nên bảo tồn diện tích đất nông nghiệp. Cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cả trong mục tiêu trung hạn và dài hạn (50 hay 100 năm), để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị. Đối với loại đất nông nghiệp, cần tạo điều kiện cho người sử dụng đất quyết định phương thức sử dụng từng loại đất phù hợp theo tín hiệu thị trường hơn là cố định phương thức sử dụng cho từng loại đất. Khi giá lúa giảm, nông dân có thể chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, rau màu, các nông sản khác có giá trị hơn theo tín hiệu thị trường.

Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là ở vùng sâu và xa. Chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh dinh dưỡng hơn là chỉ tập trung vào phát triển lương thực, thực hiện các giải pháp tạo việc làm. Gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Cần đầu tư phát triển hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ, phát triển và hỗ trợ thương mại, nhất là ở các vùng nông thôn hẻo lánh; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp áp dụng tốt bộ quy chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt và tăng cường quản lý ở khâu chế biến và lưu thông để bảo đảm lương thực, thực phẩm an toàn.

Thứ tư, để chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần tập trung vào các lĩnh vực: nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro về thị trường. Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp; thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất có những biến đổi khác nhau về khí hậu; xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy thị trường bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường khả năng ứng phó của nông dân đối với rủi ro, bảo đảm nông nghiệp ít có sự tác động xấu của biến đổi khí hậu; các địa phương, nhất là các tỉnh ở vùng thấp cần có kế hoạch ứng phó kịp thời, bố trí sản xuất nông nghiệp phù hợp. 

Thứ năm, thực hiện các biện pháp như tăng cường đầu tư công vào các công trình phòng, chống thiên tai, giảm tác động bất lợi về môi trường, tăng cường quản lý nước thải nông nghiệp, tăng cường áp dụng các biện pháp giảm khí thải nhà kính; quán triệt tư duy nền kinh tế xanh trong phát triển nông nghiệp. Tư duy kinh tế xanh đòi hỏi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trong nông nghiệp./.
 

Theo tapchicongsan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 173


Hôm nayHôm nay : 111453

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 824994

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73871965