Người nuôi khóc ròng
“Những con lợn nái nặng đến 300 kg kệ nệ nhiều người khiêng, có khi chỉ một con lợn nái đã chất đầy một xe tải nhỏ. Lợn chết nằm đầy những ô chuồng và những con lợn còn sống phải chích điện đem đi chôn như một nỗi ám ảnh…”,Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Huỳnh Văn Tú trải lòng khi ứng phó dịch tả lợn Châu Phi.
Trước đây, chưa bao giờ người nuôi lợn cũng như chính quyền địa phương lâm vào tình cảnh này. Chưa kể, những ngày qua thời tiết thời tiết mưa nhiều việc tiêu hủy lợn càng thêm vất vả. Từ cán bộ thú y, cán bộ địa chính, đội thanh niên xung kích… đến lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã ai phải cũng xắn tay áo, túc trực tập trung cho công việc chống dịch. Mỗi một ổ dịch phát hiện lại nghe tiếng thở dài, những giọt nước mắt nghẹn ngào của người dân…
Một trại lợn dính dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy. |
Còn nhớ ổ dịch đầu tiên phát hiện ngày 5/6 ở hộ ông Lý Văn Hương, thôn 1 xã Đức Chính với quy mô đàn lên đến 759 con là một ví dụ điển hình câu chuyện thực tế đầy nước mắt của người nuôi lợn. Ông Hương có tiếng về kinh nghiệm nuôi lợn. Đàn lợn của ông đa phần có giá trị, có con lợn nái có giá lên đến 150 triệu đồng. Ấy vậy mà dịch tả lợn Châu Phi vẫn xâm nhiễm ông không lường trước được.
Từ sau trang trại ông Hương, những đàn lợn vài trăm con ở Đức Linh cũng lần lượt “dính” bệnh. Ngay tại xã Đức Tín có 2 hộ có đàn lợn lớn nhất xã từ 700 con cũng không thể chống chọi được với dịch này.
Những con heo to lớn bị tiêu hủy khiến người nuôi tiếc đứt ruột. |
Ông Nguyễn Thanh Hùng, một người chăn nuôi ở xã Đức Tín cho biết, nghĩ đến đàn lợn hàng trăm con bị tiêu hủy mà ông tiếc đứt ruột. Mọi nỗ lực của ông cầm cự giữ đàn lợn như dùng lưới bọc xung quanh trang trại ngăn ruồi muỗi, con trùng truyền dịch bệnh. Cũng như không cho gia đình, họ hàng cho vô thăm ở trại cũng đành bó tay và trắng tay vì dịch tả lợn Châu Phi.
Lo dịch tấn công vùng nuôi tập trung
Sau hơn 2 tháng xảy ra dịch tả lợn châu Phi, huyện Đức Linh có 12/13 xã công bố dịch với tổng số lợn tiêu hủy lên đến 29.719 con của 1.103 hộ chăn nuôi với khối lượng lớn trên 1.934 tấn, chiếm 88,7% số lợn tiêu hủy toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc không chế dịch không mấy khả quan khi số lợn chết mỗi ngày chưa dừng lại. Làm sao để bảo vệ đàn lợn còn lại của huyện với khoảng 75.000 con là một bài toán nan giải… Thực tế này còn ở Tánh Linh với 10/14 xã đã công bố dịch, số đàn lợn còn lại khoảng 15.000 con.
Ông Huỳnh Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: “Việc cần làm bây giờ địa phương xác định tăng cường tuyên truyền cho người dân thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Mục tiêu là phải quyết liệt khống chế, khoanh vùng dịch xã Đông Hà không để lây lan ra 2 xã còn lại chưa có dịch của huyện là Trà Tân, Tân Hà. Đây là 3 xã có đàn lợn trên 46.880 con chiếm đến 60% tổng đàn lợn còn lại của huyện, đa số là chăn nuôi tập trung”.
Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng vùng dịch tả lợn Châu Phi. |
Hai huyện Đức Linh, Tánh Linh đang “căng mình” tập trung củng cố đội ngũ thú y cơ sở, trang bị chuyên môn nhằm hỗ trợ giúp người chăn nuôi thực hiện tốt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cũng như kịp soát chặt các lò giết mổ nhỏ lẻ và nắm tình hình dịch để kịp thời phối hợp xử lý. Đồng thời thường xuyên tiêu độc khử trùng, duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch, thực hiện đúng quy trình xử lý tiêu hủy lợn bệnh…
Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học
Trong khi các địa phương Hàm Thuận Bắc, La Gi dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế thì tại 2 huyện Đức Linh, Tánh dịch bệnh tiếp tục lây lan và chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ trận “đại dịch” này cơ quan chuyên môn làm sao giúp người dân thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ và biết cách phòng chống dịch tốt hơn trong thời gian tới là điều cần thiết, nhất là cần phải thận trọng trong việc tái đàn.
Vấn đề này, ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khuyến cáo: “Người chăn nuôi vùng dịch không nên tái đàn trong tình hình hiện nay. Để đàn lợn an toàn hơn trước dịch tả lợn Châu Phi cũng như các dịch bệnh khác, bắt buộc chủ trại phải áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn