Trước kia, khu vực vùng trũng thường được gọi là ao cá Bác Hồ thuộc thôn Đồng Tâm, xã Sầm Dương có 6 hộ gia đình canh tác lúa. Sau khi thu hoạch vụ xuân, bước vào mùa mưa toàn bộ 3 mẫu đất này bị ngập nước, không gieo cấy được vụ mùa.
Mô hình một cá, một lúa tại xã Sầm Dương.
Trước năm 2005, tỉnh Tuyên Quang có chủ trương dỗn điền đổi thửa, được xã định hướng tận dụng ruộng lầy thụt chuyển sang mô hình trồng một vụ lúa, nuôi một vụ cá. Hàng năm, 6 hộ gia đình này đã gieo cấy lúa vụ xuân và khi chuẩn bị thu hoạch lúa, toàn bộ diện tích này được các hộ gia đình đầu tư 20 triệu đồng mua cá giống để chăn thả.
Ông Nguyễn Văn Hiền, thôn Đồng Tâm, xã Sầm Dương là 1 trong 6 hộ gia đình chung đất ruộng thực hiện chăn nuôi 1 cá, 1 lúa. Ngoài ra, gia đình ông có 2 sào đất ruộng cũng áp dụng theo phương thức này và 2 ao chuyên để nuôi ương cá giống phục vụ cho chăn thả cá ruộng.
Quy trình trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức "1 cá, 1 lúa" được các hộ gia đình ở xã Sầm Dương chia sẻ: khi cấy lúa bà con chỉ cần để một khoảng trống nhỏ để nuôi ương cá con các loại như trắm, trôi, rô, chép... sau 1 đến 2 tháng khi cá trưởng thành thì cây lúa cũng đã lớn vì vậy hạn chế việc cá tác động xấu đến diện tích lúa trên đồng ruộng.
Ông Nguyễn Thắng Quân,thôn Hưng Thành, xã Sầm Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bắt cá chép nuôi trong ruộng lúa của gia đình. Ảnh: Lại Cao Huy (Báo Tuyên Quang).
Khi lúa xuân chuẩn bị vào chắc, các hộ gia đình đã thả cá mè, trôi, chép xuống trước; đến khi gặt lúa xong tiếp tục thả cá trắm xuống ruộng. Cá giống được lựa chọn để thả xuống ruộng là những loại cá có trọng lượng từ 500 gam đến 1 kg. Thức ăn của cá là gốc rạ còn để lại. Để gốc rạ tươi lâu hơn, các hộ chỉ để mực nước lưng trừng gốc rạ, sau một tháng gặt lúa, gốc rạ tiếp tục lên lúa trong, các hộ dân ở đây gọi là lúa chét.
Cá nuôi trong ruộng lúa sau khi thu hoạch đạt từ 1,8 kg đến 2 kg/con. Sản xuất theo mô hình "1 cá, 1 lúa" người nông dân chỉ đầu tư kinh phí mua cá giống, trông coi, bảo vệ, nhưng đã tiết kiệm được chi phí thức ăn chăn nuôi, hiệu quả kinh tế cao. |
Trong thời gian 7 - 8 tháng chăn thả cá, các hộ dân không phải đầu tư bất cứ loại thức ăn nào cho cá, tiết kiệm được chi phí chăn nuôi. Thời điểm cuối năm vào tháng 12 âm lịch, các hộ gia đình tiến hành thu hoạch cá, giải phóng đất, chuẩn bị gieo cấy vụ xuân năm sau.
Các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, không phải làm đất gieo cấy vụ lúa tiếp theo, trong khi đó lúa lại cho năng xuất cao. Qua nhiều năm thu hoạch cho thấy, mô hình giúp bà con nông dân thu nhập cao gấp 1,5 lần so với những ruộng chỉ cấy lúa thông thường.
Cá chép nuôi trong ruộng lúa có mã đẹp, bắt mắt. Ảnh: IT.
Với hiệu quả của mô hình này, người dân xã Sầm Dương duy trì và phát triển chăn nuôi theo phương thức "1 cá, 1 lúa" từ 3 ha đến nay đã mở rộng lên 10 ha tập trung ở các thôn Hưng Định, Hưng Thịnh, Hưng Thành, Đồng Tâm. Khi bước vào chăn nuôi theo phương thức "1 cá, 1 lúa" các hộ dân xã Sầm Dương đã chú trọng đến hệ thống thoát nước, chỉ để mực nước ở mức 60 cm, có nhiều hộ gia đình đã đầu tư kiên cố hệ thống bờ ruộng, nên diện tích chăn thả không bị ngập nước khi có mưa lũ.
Thực hiện mô hình 1 cá, 1 lúa rất thuận lợi bởi đây là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa. Đây là mô hình dễ thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, phù hợp điều kiện nuôi thủy sản của các xã có diện tích ruộng vùng trũng của huyện Sơn Dương. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn