Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình chăn nuôi gà Mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học.
Qua đánh giá kết quả thực tế cho thấy, mô hình mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Hiệu quả kinh tế vượt trội
Là một trong số những hộ dân của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm chăn nuôi gà Mía theo hướng an toàn sinh học, anh Hà Văn Cường đã có cơ hội cải thiện kinh tế gia đình. Bên cạnh 1.000 con gà giống (một ngày tuổi) được tiêm phòng vaccine Marek do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cấp phát miễn phí, anh Cường còn được hỗ trợ 30% thức ăn cho gà và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại. Nhờ được hướng dẫn sát sao, đàn gà của gia đình anh Cường phát triển khỏe mạnh. Đến nay, khoảng 600 gà trống đạt trọng lượng trung bình 2,2kg/con, 400 gà mái cũng đạt cân nặng 1,4kg/con và bắt đầu cho thu hoạch trứng. “Mỗi quả trứng gà bán buôn được hơn 2.000 đồng, trong khi gà trống bán ra thị trường cũng được trên 80.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi con gà thịt, tôi lãi được gần 30.000 đồng” - anh Cường hồ hởi khoe.
Một hộ gia đình chăn nuôi gà Mía tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Đánh giá mới đây của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho thấy, tỷ lệ gà sống sót sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm mô hình tại 73/73 hộ chăn nuôi thuộc các huyện, thị xã: Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây, Hoài Đức, Thường Tín đều đạt trên 96%. Trọng lượng trung bình của mỗi con gà Mía đạt khoảng 2,3kg. Nhiều hộ đã có sản phẩm bán ra thị trường với mức giá từ 78.000 - 85.000 đồng/kg, thu lãi trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/con.
Giảm nỗi lo mất an toàn thực phẩm Để được lựa chọn tham gia thí điểm mô hình chăn nuôi gà Mía theo hướng an toàn sinh học, các hộ phải bảo đảm diện tích chuồng trại đáp ứng mật độ nuôi từ 8 - 10 con/m2 nền, vườn thả đạt từ 1 - 3m2/con cùng trang bị máng ăn, máng uống đầy đủ... Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trong quá trình triển khai mô hình, hai vấn đề được quan tâm nhất là phòng trừ dịch bệnh và kiểm soát nguồn thức ăn, nước uống. Theo đó, trong hơn 4 tháng qua, đơn vị đã tổ chức 5 buổi tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi gà Mía thả vườn an toàn sinh học cho các hộ tham gia. Nhờ vậy, 100% số hộ đã nắm bắt được đầy đủ những kỹ thuật cơ bản trong chăn nuôi gà Mía theo hướng an toàn.
Ngoài lượng thức ăn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cấp phát miễn phí, phần thức ăn do các hộ bổ sung thêm được kiểm soát gắt gao, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. 50.000 con gà trong mô hình được theo dõi bằng sổ ghi chép hàng ngày, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine… Cũng theo bà Vũ Thị Hương, trên cơ sở đánh giá hiệu quả toàn diện, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ nghiên cứu, nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Tuy nhiên, cách thức triển khai trên tinh thần các địa phương tự chủ, đơn vị chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất. Bà Vũ Thị Hương cho rằng, bên cạnh giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân vùng đồi gò, chăn nuôi gà Mía theo hướng an toàn sinh học còn tạo ra những sản phẩm có chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu cấp thiết về thực phẩm an toàn cho thị trường Hà Nội.
LÂM NGUYỄN/kinhtedothi.vn