Điểm mô hình hệ thống máy tách phân xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu SX phân bón hữu cơ tại trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Thi. |
Sau khi được xử lý, phân heo được ông Thi bón cho 10ha keo. Vùng đất cát bạc màu được “ăn” phân hữu cơ trở nên màu mỡ, keo phát triển vùn vụt.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, đến nay dự án LCASP Bình Định đã hỗ trợ cho 4 cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn 4 máy tách phân cố định để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu SX phân hữu cơ quy mô trang trại.
Đó là các cơ sở chăn nuôi heo có quy mô lớn: Trang trại Phú Xuân ở xã Ân Hữu Đông (huyện Hoài Ân); trang trại Ánh Tuyết ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân); trang trại Nhất Vinh ở huyện Phù Cát và trang trại của ông Nguyễn Văn Thi ở xã Cát Lâm (huyện Phù Cát).
Cũng theo ông Hùng, phân heo sau khi thải ra chuồng còn lẫn nước, máy tách phân có nhiệm vụ tách phân riêng nước riêng, vắt cho phân khô, sau đó được xử lý sơ chế thành phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng.
“Hiệu quả của máy tách phân là làm giảm sử dụng phân vô cơ làm nghèo đất, vừa xử lý môi trường trong chăn nuôi, vừa giúp sản xuất nông nghiệp canh tác theo hướng hữu cơ sạch. Ngoài ra, máy tách phân còn giúp người chăn nuôi có thêm khoản thu nhập từ bán phân để triển khai các mô hình canh tác sử dụng phân hữu cơ trên địa bàn tỉnh”, ông Hùng nói.
Trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn của ông Nguyễn Văn Thi ở xã Cát Lâm là 1 trong 4 cơ sở chăn nuôi heo được dự án LCASP Bình Định hỗ trợ máy tách phân cố định. Ông Thi vốn người ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát) lên xã Cát Lâm mua đất làm ăn. Tại Cát Lâm, ông Thi trồng đến 10ha keo. Tuy nhiên, sống trên vùng đất cát bạc màu, 10ha keo của ông Thi phát triển èo uột.
Cách đây 5 năm, ông Thi liên kết với Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam bắt đầu công cuộc chăn nuôi heo thịt với quy mô lớn. “Lúc cao điểm, trong chuồng của tôi nuôi đến 3.000 con heo thịt, hiện giảm đàn còn 1.000 con. Từ khi được dự án LCASP Bình Định hỗ trợ máy tách phân cố định, 10ha keo của tôi được “ăn” phân hữu cơ thoải mái, phát triển rất ổn định”, ông Thi cho hay.
Ông Thi kể, khi chưa được hỗ trợ máy tách phân, ông lấy phân heo để bón cho cây keo bằng cách xúc phân ra phơi trên những khu đất trống, nước chảy riêng ra một nơi, xác phân nằm lại cho đến khi khô, khô lớp này ông phơi lớp khác. Mặc dù những khu đất ông Thi phơi phân nằm cách xa khu dân cư, nhưng mùi của nó phát tán rộng trong không khí làm ô nhiễm môi trường.
Nhân chuyến công tác về thăm trang trại chăn nuôi của ông Thi, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định nhận thấy sự bất cập trong việc phơi phân. Đúng lúc ấy dự án LCASP Bình Định được dự án LCASP Trung ương hỗ trợ máy tách phân, trang trại của ông Thi được LCASP Bình Định đưa vào danh sách được hỗ trợ.
Máy tách phân tại trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Thi. |
“Thời điểm heo còn nhỏ, lượng phân thải ra ít thì với 3.000 con heo cách 5 - 7 ngày tôi cho máy tách phân hoạt động 1 lần. Đến khi heo lớn có trọng lượng 70kg/con, lượng phân thải ra nhiều thì cứ 1 ngày tôi tách 1 lần.
Tối đến, sau khi công nhân dọn chuồng xong tôi mới cho máy tách phân hoạt động. Nếu tách phân trong lúc đang dọn chuồng thì phân chảy hết vào hầm biogas. Phân sau khi được tách ra, xử lý thành phân hữu cơ tôi mang bón cho 10ha keo. Vùng đất tôi trồng keo là đất cát bạc màu, được bón phân hữu cơ trở nên màu mỡ khiến cây keo phát triển ổn định”, ông Thi chia sẻ.
Tiếp tục hỗ trợ xử lý môi trường chăn nuôi Năm 2019, dự án LCASP Bình Định tiếp tục hỗ trợ các chủ trang trại chăn nuôi gia súc thực hiện các mô hình: Sử dụng nước xả công trình khí sinh học làm phân bón cho cây trồng; quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi thông qua ứng dụng công nghệ máy phát điện khí sinh học, máy tách phân; sử dụng hệ thống máy tách phân di động để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bán hữu cơ. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Bình Định còn tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quản lý toàn diện chất thải trong chăn nuôi. An Nhân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn