Ồ ạt san ủi rừng phòng hộ để làm sân golf ở Phú Yên. Ảnh: Tấn Lộc.
Kết quả thanh tra cho thấy tỉnh Phú Yên có đến 39 dự án với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng gần 424 ha rừng không phù hợp với quy định bảo vệ, phát triển rừng tỉnh này giai đoạn 2011-2020, trái quy định của Chính phủ. Toàn tỉnh có đến 21 dự án không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường nhưng lại có đến 17 dự án đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích 206 ha.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 28 dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế với tổng diện tích 171 ha nhưng vẫn thu hồi đất, cho thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Gần đây nhất là dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, Phú Yên cho phá trắng 377 ha rừng, trong đó có 273 ha rừng tự nhiên tại hai tiểu khu 310, 311 ở huyện Sông Hinh...
Không muốn dẫn ra đây những con số dài dòng, nhưng quả tình đó là những con số biết nói. Điều đáng nói ở đây là không phải chỉ là 1 vài dự án sơ xuất về trình tự, thủ tục mà có vẻ như đã có một “đèn xanh” được bật lên từ phía tỉnh để hàng loạt dự án được triển khai bất chấp những vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng. Nói điều này không phải là võ đoán, nếu nhìn lại cả một quá trình.
Chẳng hạn kết luận của đoàn thanh tra đối với dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam là rất rõ ràng: “chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng nhưng UBND tỉnh Phú Yên vẫn cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là trái với quy định của Luật Đất đai. Sai phạm này thuộc trách nhiệm chỉ đạo, giải quyết của UBND tỉnh Phú Yên; trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện của Sở TNMT".
Tuy nhiên, cách đây không bao lâu, nghĩa là chỉ khoảng vài tháng, khi trên báo chí phản ánh và lo ngại về việc Phú Yên cho phá rừng phòng hộ để triển khai dự án này lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Yên đã từng phát biểu cho rằng đó là điều kiện để phát triển: “Khi họ phá rừng như vậy họ sẽ trồng lại, đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Còn rừng phi lao chẳng qua trồng trong giai đoạn cấp thời để chắn gió, chắn sóng là chính… Nếu chúng ta không cho khai thác mà cứ để vậy thì tỉnh không bao giờ đi lên được!”.
Cũng chính vị lãnh đạo này đã tỏ ra tiếc nuối kiểu giá mà hồi làm quy hoạch không đưa diện tích rừng phi lao ven biển ở TP Tuy Hòa vào diện rừng phòng hộ. Ý tứ cho thấy nếu không có cái “quy hoạch rừng phòng hộ” thì giờ tha hồ làm dự án không phải lo nghĩ gì.
Đúng là đi dọc các tỉnh ven biển miền Trung, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ, khi mà chang chang nắng và cát trắng, rừng nhiều nhất là phi lao thì cũng hoàn toàn thông cảm với khát vọng phát triển du lịch của các địa phương. Giữa “đặc sản” biển xanh, cát trắng thì đúng là chỉ có dự án sân golf, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… là nhanh đem đến sự phát triển nhất hiện nay. Lo ngại của các lãnh đạo địa phương “nếu không cho khai thác mà cứ để vậy thì tỉnh không bao giờ đi lên được!” cũng là một sự lo ngại có thể thông cảm được.
Nhưng không thể chấp nhận được bất cứ một lý do nóng vội nào nhân danh sự phát triển để làm sai. Nhất là sai với rừng. Chúng ta có những sân golf, những khu nghỉ dưỡng nhanh chóng hôm nay bằng đánh đổi hàng trăm ha rừng, nhất là rừng phòng hộ, là chúng ta đang đánh đổi tương lai lấy những lợi ích trước mắt.
Đường vào nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, nhiều sân golf ở ven biển miền Trung hiện nay đang phổ biến tình trạng này: Là dọc 2 bên đường trơ trụi, chỉ có cát và mấy cái cây còi cọc mới trồng bên đường. Người dân địa phương kể trước đây toàn bộ 2 bên là những khu rừng xanh tốt: “Họ phá hết để triển khai dự án”. Ngay kể cả với lời cam kết trồng rừng thay thế, thì còn bao lâu nữa những cánh rừng bị phá thành đồi cát hôm nay mới lại có thể trở thành rừng.
Có lẽ là quá thừa thãi nếu giờ này còn phải nói lại những bài học về lợi ích của rừng. Rừng phòng hộ ven biển lại càng mang vác những trách nhiệm lớn, đối với một đô thị ven biển. Cũng như đến bây giờ cũng chẳng còn phải hình dung về những cơn cuồng nộ của thiên nhiên mà chúng ta đã phải trả giá vì không bảo vệ được sự cân bằng của tự nhiên. Khi không còn những khu rừng phòng hộ như là tấm chắn hết sức quan trọng của đô thị để chắn gió, sóng, cát biển, chỉ một trận cuồng phong, e rằng chính các khu nghỉ dưỡng sẽ là nơi gánh chịu hậu quả…
Trong kết luận thanh tra ở Phú Yên đã chỉ rõ các dự án sai, đã có kiến nghị dừng một số dự án, mong rằng rồi đây, sẽ có những xử lý kịp thời và trách nhiệm.Từ câu chuyện về nhiều dự án sai ở Phú Yên, có thể thấy đáng báo động về tư duy: Giữ rừng thì lấy gì để phát triển.
Nếu nhân việc này không thay đổi nhận thức của nhiều địa phương thì sẽ rất nguy hại. Cho nên cũng rất cần sự rà soát lại một các nghiêm túc các dự án ở miền Trung, không phải chỉ Phú Yên. Để chấm dứt ngay việc xẻ thịt hoặc nuốt chửng các khu rừng phòng hộ để làm dự án. Không còn rừng, ai sẽ bảo vệ sự sống của chúng ta.
Cẩm Anh/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn